Hơn 40.000 công nhân được tư vấn pháp lý miễn phí

Hơn 40.000 công nhân đã được tư vấn pháp lý thông qua những sáng kiến bảo vệ quyền người lao động tại các khu công nghiệp.

Bằng việc sáng tạo những mô hình tư vấn phong phú, phù hợp với điều kiện từng địa phương, các cán bộ công đoàn, công nhân nòng cốt tại 6 tỉnh, thành phố đã tư vấn pháp lý miễn phí cho hơn 40.000 công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đây là kết quả được đưa ra tại buổi tọa đàm “Chính sách và mô hình để thúc đẩy và bảo vệ quyền của người lao động tại các khu công nghiệp” do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Tổ chức Oxfam tổ chức ngày 13/12.

Tại tọa đàm, đại diện 6 địa phương tham gia dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động nhập cư tại các khu công nghiệp” đã chia sẻ những sáng kiến nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ xã hội cho những người lao động di cư tới các khu công nghiệp.

Các sáng kiến như: Mô hình hỗ trợ pháp lý, nhóm công nhân nòng cốt, tổ tự quản ở trong và ngoài nhà máy, kinh nghiệm đối thoại giữa doanh nghiệp và người lao động… đã được đại diện các địa phương chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Bà Ngô Hương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và hội nhập cho biết, sau 3 năm triển khai, dự án “Thúc đẩy và bảo vệ quyền của lao động nhập cư tại các khu công nghiệp” đã thành lập được hơn 30 nhóm công nhân nòng cốt tại 6 khu công nghiệp, tổng số công nhân tham gia các nhóm là hơn 1.200 công nhân.

Các nhóm công nhân nòng cốt sinh hoạt ít nhất 1 lần/tháng với các chủ đề về tư vấn Luật Lao động, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đối thoại với doanh nghiệp, chính quyền địa phương…

Đặc biệt, thông qua đối thoại với doanh nghiệp, đã có 44 kiến nghị của người lao động được doanh nghiệp chấp nhận và thực hiện, 12 khuyến nghị được chính quyền cấp cơ sở thông qua thực hiện.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng các mô hình sáng kiến hỗ trợ người lao động tại các khu công nghiệp đã được triển khai rất hiệu quả, các dịch vụ xã hội cơ bản đã trực tiếp đến với người lao động qua các mô hình này. Những mô hình này cũng chính là các kênh thông tin phản ánh chính xác nhất nhu cầu của người lao động.

Tuy nhiên, ông Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị cần phải xây dựng chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ để những mô hình này có thể tiếp tục áp dụng khi kết thúc dự án và nhân rộng ra các khu công nghiệp khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục