Hơn 65.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng Thái Nguyên đến năm 2020

Tỉnh Thái Nguyên tập trung triển khai chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2015-2020 với tổng vốn đầu tư trên 65.000 tỷ đồng.
Hơn 65.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng Thái Nguyên đến năm 2020 ảnh 1Dây chuyền sản xuất linh kiện điện thoại di động của Samsung Thái Nguyên. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nhằm hoàn thành mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đang tập trung triển khai chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn 2015-2020 với tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 65.000 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn nhà nước chiếm khoảng 46%, còn lại huy động từ các nguồn ngoài nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư theo phương thức BOT, PPP...

Theo quy hoạch tổng thể về phát triển kết cấu hạ tầng, trong giai đoạn đến năm 2020, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông toàn vùng phía Bắc.

Cụ thể, tỉnh phối hợp với bộ, ngành chức năng xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua phía Bắc tỉnh đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 miền núi; triển khai xây dựng tuyến trục ngang liên tỉnh Bắc Giang-Lạng Sơn-Thái Nguyên-Bắc Kạn-Tuyên Quang.

Việc nâng cấp trục dọc liên tỉnh theo hướng Quốc lộ 3 - đường tỉnh 268 (Thái Nguyên) - đường tỉnh 254, 258 B (Bắc Kạn) - Bảo Lâm (Cao Bằng) - Quốc lộ 34, 4C (Hà Giang) thành tuyến quốc lộ mới được thực hiện.

Địa phương xây dựng hệ thống đường gồm: Quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên đoạn qua Khu công nghiệp Yên Bình và hệ thống đường giao thông đối ngoại Khu tổ hợp Yên Bình; xây dựng các cầu qua Sông Cầu để mở rộng, phát triển Thành phố Thái Nguyên.

Trong phát triển hạ tầng ngành nước, Thái Nguyên cải tạo, nâng cấp các công trình hồ, chứa nước trọng yếu đảm bảo tăng nguồn dự trữ, điều hòa nguồn nước, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của các ngành kinh tế.

Việc tu sửa, nâng cấp các hồ thủy lợi tập trung vào các hồ lớn như Núi Chẽ, Suối Lạnh (Phổ Yên), Núi Cốc, Gò Miếu (Đại Từ), Nà Tấc, Bó Vàng, Đèo Phượng (Định Hóa), Na Long, Đồng Chốc (Đồng Hỷ)...

Trong giai đoạn này, tỉnh tập trung nguồn vốn để xây dựng mới các hồ Đồng Lá, Làng Phán, Bản Bắc, Khuổi Mạ, Khuôn Tát (Định Hóa), Ngàn Me, Văn Hán (Đồng Hỷ), Đồng Giã (Võ Nhai)...

Thái Nguyên thực hiện đồng bộ hóa, chuẩn hóa mạng lưới giáo dục và dạy nghề theo hướng hiện đại, xây dựng tỉnh thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vùng trung du miền núi phía Bắc. Địa phương đầu tư chiều sâu nâng cấp Đại học Thái Nguyên thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, xây dựng, phát triển thêm từ 3 đến 5 trường dạy nghề mũi nhọn...

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án để phát triển hạ tầng ngành điện, hạ tầng thông tin-truyền thông, hạ tầng thương mại-du lịch, hạ tầng y tế, hạ tầng bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu...được xây dựng.

Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, để đảm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu hạ tầng tỉnh đạt hiệu quả cao, tỉnh đã xây dựng các giải pháp về huy động vốn đầu tư; trong đó coi trọng việc củng cố các nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Địa phương ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông, bảo vệ môi trường, cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu, tranh thủ tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư phát triển các công trình trọng điểm về hạ tầng kỹ thuật quy mô lớn.

Các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng được áp dụng, thường xuyên điều chỉnh quy chế quản lý đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp tập trung... Tới đây, tỉnh có thể xây dựng cơ chế bảo lãnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khai thác nguồn vốn tín dụng ngân hàng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục