Theo thông tin từ Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trong thời gian qua do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình hạn hán đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất một số cây trồng chủ lực của Tây Nguyên.
Tính đến thời điểm này, tổng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả bị ảnh hưởng do hạn hán là 110.766ha, trong đó diện tích mất trắng là 7.586ha (trong đó có 496ha hồ tiêu bị chết cháy tập trung chủ yếu tại Gia Lai 218ha, Đắk Lắk 277ha còn lại là cây càphê bị mất 100% năng suất cho niên vụ 2016/2017).
Diện tích cây hồ tiêu chủ yếu bị ảnh hưởng và thiệt hại dưới 70%. Tuy nhiên, theo đánh giá của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đa phần những diện tích ở vùng thiếu nước tưới, một phần diện tích bị nhiễm bệnh dưới tác động của hạn làm cây hồ tiêu bị chết tại các tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum. Cây hồ tiêu hiện nay được giá 160.000 đồng/kg nên người dân vẫn tiếp tục đầu tư tưới để giảm ảnh hưởng của hạn hán, tuy nhiên một số vùng có ảnh hưởng của hạn hán năng suất từ 30–50%.
Theo đánh giá thực địa và làm việc với các địa phương của Cục Trồng trọt, thì diện tích càphê bị mất trắng nằm cả trong vùng quy hoạch và ngoài vùng quy hoạch.
Cụ thể, một số diện tích nằm trong vùng quy hoạch nhưng do nguồn nước không đủ và một số hộ cũng đã tập trung tưới cho diện tích càphê sinh trưởng tốt để có thu nhập, còn diện tích càphê xa nguồn nước, sinh trưởng kém không đầu tư tưới dẫn đến một số diện tích bị mất trắng. Diện tích bị mất trắng đa phần nằm trên đỉnh đồi, núi nên nguồn nước khó khăn, khoan giếng nhưng không có nguồn nước.
Còn diện tích bị mất trắng nằm ở vùng đồng bào dân tộc (nghèo) và cả ở vùng người kinh có điều kiện khá giả nhưng do nguồn nước khan hiếm, giá càphê thấp nên một số hộ không tập trung nguồn lực tưới cho cà phê. Tuy nhiên, vườn cây của đồng bào dân tộc có điều kiện kinh tế khó khăn thì thiệt hại nhiều hơn.
Báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khu vực Tây Nguyên cũng cho biết, hiện nay các tỉnh Tây nguyên đã có những cơn mưa đầu mùa với lượng mưa khá lớn trên 50mm ở một số huyện Nam Kon Tum, một số huyện của tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai nên cây càphê đã có dấu hiệu phục hồi tuy nhiên vẫn ảnh hưởng đến năng suất.
Theo đại diện Cục Trồng trọt, sau khi kiểm tra tình hình hạn hán khu vực Tây Nguyên, Cục sẽ báo cáo Bộ về tình hình thiệt hại của các địa phương đồng thời xây dựng các biện pháp hướng dẫn khắc phục hạn hán và khôi phục sản xuất đối với cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Cục Trồng trọt cũng sẽ tiến hành đánh giá lại việc triển khai và áp dụng quy hoạch đối với cây càphê và cây hồ tiêu để có điều trình kịp thời và xác định cơ cấu các giống cây công nghiệp, cây ăn quả khác để chuyển đối với những diện tích hồ tiêu và càphê không phù hợp.
Cục Trồng trọt cũng xác định các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong đó ưu tiên các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao giống, khoa học công nghệ để giảm thiểu của biến đổi khí hậu nói chung và hạn hán nói riêng cho vùng Tây Nguyên./.
Diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại ở các địa phương tại Tây Nguyên: Kon tum bị thiệt hại khoảng 2.015ha, trong đó mất trắng 87ha; Gia Lai thiệt hại 6.698ha, mất trắng 618ha (càphê 399 ha, hồ tiêu 218ha); Đắk Lắk thiệt hại khoảng 56.138ha càphê, trong đó mất trắng khoảng 4.399ha, hồ tiêu hạn 4.409ha, trong đó mất trắng 277ha; Đắk Nông thiệt hại khoảng 22.658ha, mất trắng 1.767ha càphê; Lâm Đồng thiệt hại khoảng 30.439ha, mất trắng 161ha.