Chiều 31/5, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Tại tổ thảo luận, các đại biểu góp ý và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến trái chiều về các đối tượng, phương thức kê khai tài sản và về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà không được giải trình một cách hợp lý.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) đã có những ý kiến trao đổi, thảo luận liên quan đến những vấn đề này.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, hiện nay đang tiến hành sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng, đây là đạo luật có tính chất cơ bản nhất để đưa ra khung pháp lý giúp tăng cường hiệu quả trong phòng chống tham nhũng. Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, biện pháp kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập không hiệu quả.
Đồng thời, một trong những vấn đề hiện nay đang được xã hội quan tâm là vấn đề xử lý tài sản khi bị phát hiện không kê khai hoặc kê khai không trung thực.
"Qua đánh giá, chúng ta đang quản lý trên 1 triệu bản kê khai, nhưng do yếu tố trong nội bộ còn nể nang, việc xác minh xem kê khai có đầy đủ hay không còn hạn chế," Tổng Thanh tra nhận định.
Bên cạnh đó, từ trước tới nay mới chỉ xử lý hành vi kê khai không trung thực, người bị phát hiện kê khai tài sản không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật hành chính, kỷ luật Đảng với những hình thức khác nhau, thậm chí trên thực tiễn có những người đã bị mất chức. Đối với phần tài sản chưa có quy định để xử lý, Tổng Thanh tra cho biết.
[Kiểm soát việc lợi dụng sân sau để rút tài sản nhà nước và tham nhũng]
Về xử lý tài sản kê khai không trung thực, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết lần trước trình vào kỳ họp 4 không có quy định này nhưng theo ý kiến của đại biểu Quốc hội cần phải có chế tài để xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản hợp lý. Đây là điểm bổ sung, chỉnh lý của dự thảo Luật. Vấn đề này đang được tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội và cân nhắc đề xuất phương án hợp lý.
Dự thảo Luật đưa ra phương án cơ chế thu hồi tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc được thực hiện thông qua việc xác định đó là hành vi trốn thuế và có quy định về việc chuyển hồ sơ vụ việc từ cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sang cho cơ quan quản lý thuế (Phương án 1 của Điều 59 dự thảo Luật).
"Qua rất nhiều cuộc thảo luận, sau khi cân nhắc, ban soạn thảo đưa ra phương án đánh thuế với 45% đối với tài sản được phát hiện không kê khai hoặc kê khai không trung thực," ông Lê Minh Khái nói, đồng thời khẳng định đây đánh thuế với tài sản kê khai không trung thực hoặc không kê khai chứ không phải là tài sản tham nhũng. Nếu đã xác định đó là tài sản tham nhũng, người đó ngoài bị xử lý hình sự còn bị tịch thu tài sản.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho rằng xác định một tài sản là bất minh, kê khai không trung thực cần hết sức cân nhắc.
Đại biểu lo ngại rằng quy định này thiếu khả thi vì trước hết, việc này thuộc thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng. Phải qua một bản án của tòa tuyên bố tài sản của một người là bất minh mới tiến hành tịch thu được chứ không thể áp dụng cách thu thuế hay là phạt tiền (đều ở mức 45%) được.
Từ đó, đại biểu cho rằng nên nghiên cứu các biện pháp thu hồi thông qua thủ tục tố tụng cho phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp.
Nói về những vướng mắc trong đề xuất đánh thuế 45% với tài sản bất minh của cán bộ, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) lo ngại, có khả năng trước khi luật này được thông qua, cán bộ sẽ ồ ạt khai ra rất nhiều tài sản cho là được thừa kế, tặng cho.
Bên cạnh đó, để đảm bảo tính khả thi của quy định theo phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai, dự thảo Luật đã có những sửa đổi, bổ sung căn bản về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập như quy định mới về phương thức kê khai.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, dự thảo luật trình kỳ họp thứ 5 lần này quy định mở rộng đối tượng kê khai, đồng thời có bổ sung các phương thức kê khai. Gồm có 4 phương thức: kê khai lần đầu, nghĩa là cán bộ lần đầu vào cơ quan và viên chức từ phó phòng trở lên; kê khai bổ sung, có những tài sản phát sinh có giá trị 300 triệu đồng trở lên mà theo cơ quan chống rửa tiền có dấu hiệu đáng nghi ngờ phải kê khai bổ sung để kiểm soát kịp thời. Bên cạnh đó là phương thức kê khai hàng năm, kê khai phục vụ cho công tác cán bộ.
Cũng tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng đây là một dự án Luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo vừa nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác phòng chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập.../.