Hợp tác EU-Trung Quốc hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Quan hệ hợp tác giữa EU và Trung Quốc đã có bước phát triển đáng kể, qua đó giúp hỗ trợ kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng chậm và phục hồi yếu.
Hợp tác EU-Trung Quốc hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh 1Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 28/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã rời Bắc Kinh đến Brussels (Bỉ) để tham dự hội nghị các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc lần thứ 17 nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ​song phương.

Sau đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có chuyến thăm chính thức Pháp và có bài phát biểu tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo hãng tin Tân hoa xã, quan hệ hợp tác giữa EU và Trung Quốc đã có bước phát triển đáng kể, qua đó giúp hỗ trợ kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang tăng trưởng chậm và phục hồi yếu.

Số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU từ Trung Quốc đạt mức đỉnh 338,8 tỷ USD trong năm 2014. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU (sau Mỹ), trong khi EU là đối tác thương mại lớn thứ nhất của Trung Quốc trong hơn 10 năm qua.

Kim ngạch trao đổi thương mại giữa EU và Trung Quốc đã tăng từ 2,4 tỷ USD năm 1975 lên 615 tỷ USD năm 2014.

Cùng chung quan điểm theo đuổi mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, Trung Quốc và EU đang hướng tới tranh thủ kế hoạch đầu tư của lãnh đạo hai bên.

Kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker là nhằm mở đường cho các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân, thông qua việc đảm bảo một phần khoản đầu tư này bằng ngân sách của EU và Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Kế hoạch đó dự kiến sẽ tạo dựng được một nguồn quỹ trị giá 352 tỷ USD, để chi cho các dự án cơ sở hạ tầng có thể thúc đẩy đà tăng trưởng cho kinh tế châu Âu. Trong khi kế hoạch của Thủ tướng Lý Khắc Cường là hợp tác quốc tế trong hoạt động sản xuất.

Rõ ràng, hai kế hoạch này có sự bổ trợ lẫn nhau, khi Trung Quốc cần thị trường để giải phóng tình trạng dư thừa công suất sản xuất; còn EU lại cần đầu tư, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, để tạo đà cho nền kinh tế còn yếu. Do đó, sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa EU và Trung Quốc chắc chắn sẽ có lợi cho kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục