Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng đạt tiến triển

Theo một báo cáo nghiên cứu tính khả thi hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, việc hợp tác ở khu vực này đã đạt nhiều tiến triển.
Theo một báo cáo mới công bố về nghiên cứu tính khả thi hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, việc hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng đã đạt nhiều tiến triển, có ý nghĩa cột mốc trong lịch sử hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cũng như trong tiến trình hợp tác toàn diện giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Dưới sự thúc đẩy chung của Trung Quốc và các nước ASEAN, nhiều dự án đã được thực hiện trong các lĩnh vực như đầu tư thương mại, giao thông, lưu thông phân phối... và trở thành điểm sáng mới trong hợp tác tiểu vùng giữa Trung Quốc-ASEAN. Trong số này, “Hành lang kinh tế Nam Ninh-Singapore,” vốn được coi là “hành lang kết nối 7 nước” hiện nay đã cơ bản hoàn thành, nối liền các đoạn đường bộ từ Nam Ninh đến Singapore.

Tại Trung Quốc, tỉnh Quảng Tây đã mở chuyến tàu hỏa quốc tế từ Nam Ninh đến Việt Nam, nâng cấp đường cao tốc Nam Ninh-Hữu Nghị Quan, Bằng Tường, đồng thời đã được phép xây dựng 24 đường bộ đến Việt Nam, trong đó, 10 tuyến đường đã thông xe.

Hiện nay, trong tuyến đường sắt Nam Ninh-Singapore, ngoài đoạn đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Vientiane, các đoạn đường sắt khác đều đã đưa vào sử dụng.

Trong khi đó, hợp tác xuyên biên giới cũng diễn ra sôi động. Tháng 9/2010, tỉnh Quảng Tây và tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam đã ký “Thỏa thuận phối hợp thúc đẩy xây dựng Khu kinh tế xuyên biên giới Đông Hưng-Móng Cái” và tại cuộc hội thảo về Khu Hợp tác kinh tế xuyên biên giới Bằng Tường-Đồng Đăng tháng 10/2010 ở Nam Ninh, hai bên đã thỏa thuận đẩy nhanh xây dựng khu hợp tác kinh tế này.

Tiến trình hợp tác tài chính Vịnh Bắc Bộ mở rộng cũng phát triển nhanh chóng. Ngân hàng DBS Singapore đã thành lập chi nhánh tại Nam Ninh. Cơ quan tài chính của các ngân hàng Trung Quốc cũng lập 8 chi nhánh tại các nước ASEAN, hợp tác nghiệp vụ giữa Ngành ngân hàng Quảng Tây với ngành ngân hàng ASEAN, từ nghiệp vụ đơn giản như thanh toán quốc tế đã phát triển thành đa nguyên như nghiệp vụ cho vay, đại lý và đầu tư cổ phiếu...

Cuối năm 2010, các cơ quan ngân hàng Trung Quốc đặt ở Quảng Tây đã phối hợp với ngân hàng các nước ASEAN thành lập 94 ngân hàng đại lý và ngân hàng dịch vụ tài khoản nước ngoài.

Đẩy nhanh hợp tác cảng biển thực tế, tỉnh Quảng Tây đã lần lượt ký hiệp định hợp tác kinh tế thương mại và hợp tác chuyên môn với các nước Vịnh Bắc Bộ mở rộng như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore...

Các tuyến đường biển trực tiếp chuyên chở container như Phòng Thành Cảng-Hong Kong-Xà Khẩu-Hải Phòng; Phòng Thành Cảng-Kê Lang-Singapore-Bangkok cũng như các cảng biển Quảng Tây đến Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã lần lượt được đưa vào sử dụng; đường biển du lịch từ Bắc Hải, Quảng Tây đến Vịnh Hạ Long của Việt Nam cũng đã khôi phục lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục