Hợp tác nâng cao vị thế Kiểm toán Nhà nước trong khu vực Đông Dương

Theo kế hoạch, Hội nghị lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Lào, tuy nhiên, do Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội nghị lần này được tổ chức từ ngày 25-26/8 theo hình thức trực tuyến.
(Ảnh: Vietnam+)
(Ảnh: Vietnam+)

Hội nghị Kiểm toán Nhà nước Việt Nam-Lào-Campuchia là diễn đàn hợp tác, trao đổi giữa ba cơ quan trong việc tăng cường năng lực chuyên môn cho đội ngũ Kiểm toán về sự hiểu biết, thúc đẩy gắn kết giữa các bên, góp phần củng cố và khuyến khích quản trị tốt tại ba quốc gia.

Trước thềm Hội nghị ba bên lần thứ 9 với nội dung “Kiểm toán thu ngân sách qua hệ thống Công nghệ thông tin” do Kiểm toán Nhà nước Lào đề xuất, bà Hà Thị Mỹ Dung - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có trao đổi về những hoạt động của Hội nghị trong và kế hoạch triển khai trong giai đoạn tới.

- Kiểm toán Nhà nước Việt Nam là cơ quan khởi xướng cơ chế hợp tác ba bên Việt Nam-Lào-Campuchia vào năm 2009. Xin bà đánh giá về quá trình hợp tác trong thời gian qua?

Bà Hà Thị Mỹ Dung: Quá trình hợp tác Kiểm toán Nhà nước ba bên Việt Nam-Lào-Campuchia từ năm 2009 đến nay ghi nhận nhiều hoạt động nổi bật theo từng giai đoạn cụ thể.

Năm năm đầu, Kiểm toán Nhà nước ba bên đã duy trì tổ chức được hội nghị hằng năm luân phiên giữa ba cơ quan với các chủ đề khác nhau, nhằm mục đích học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về các chủ đề quan tâm chung. Đây là một diễn đàn hiệu quả cho các bên tham gia tăng cường năng lực chuyên môn, thắt chặt quan hệ hợp tác, hữu nghị cùng phát triển giữa ba cơ quan.

[Kiểm toán, đánh giá việc thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp]

Đáng chú ý, kể từ năm từ 2014 đến nay, hoạt động phối hợp giữa ba cơ quan đã được nâng cao. Tại Hội nghị ba bên lần thứ 6 tổ chức tại Viêng Chăn, Lào (ngày 11-12/11/2014), các bên đã thống nhất tổ chức hội nghị hai năm một lần thay vì định kỳ hàng năm đồng thời nhất trí về việc thay đổi hình thức tổ chức hội nghị tiến hành theo hai cấp. (Cuộc họp cấp kỹ thuật để thảo luận về các vấn đề quan tâm theo chủ đề của hội nghị; Cuộc họp cấp lãnh đạo nhằm thống nhất về các vấn đề được thảo luận tại hội nghị, đánh giá kết quả hợp tác năm trước và thông qua định hướng kế hoạch hợp tác cho giai đoạn sắp tới).

Diễn đàn hợp tác ba bên Việt Nam-Lào-Campuchia từ khi được khởi xướng đến nay đã đạt được các mục tiêu đề ra, qua đó: Thúc đẩy quan hệ hợp tác truyền thống, tăng cường năng lực chuyên môn quan hệ hợp tác giữa ba cơ quan ngày càng được thắt chặt; góp phần khẳng định và tăng cường sự hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau trên diễn đàn quốc tế cả trong và ngoài phạm vi hợp tác ba bên; nâng cao vị thế của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong khu vực Đông Dương; tạo sân chơi phù hợp để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm nhằm hướng tới các diễn đàn đa phương ở phạm vi rộng lớn hơn.

Các hội nghị thường kỳ đều tập trung vào vấn đề mang tính thời sự mà các bên cùng quan tâm về cả chuyên môn và phát triển năng lực tổ chức, như: Việc tăng cường quản lý hiệu quả trong lĩnh vực công, tăng cường mối quan hệ giữa Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước, nâng cao chất lượng Báo cáo kiểm toán, quản lý đảm bảo chất lượng kiểm toán, kinh nghiệm về việc thực hiện các chuẩn mực kiểm toán quốc tế ISSAI.... Đặc biệt gần đây nhất là chủ đề tại hội nghị ba bên lần thứ 8 về công tác chuẩn bị thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của các cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI).

-  Được biết Chủ đề của Hội nghị ba bên Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ 8 tổ chức tại Campuchia tháng 11/2018 là “Kiểm toán công tác chuẩn bị của Chính phủ triển khai các mục tiêu phát triển bền vững,” Kiểm toán Nhà nước đã triển khai ra sao?

Bà Hà Thị Mỹ Dung: Sau khi lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề này tại Hội nghị, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tích cực trong việc lựa chọn chủ đề kiểm toán và lập kế hoạch kiểm toán cho các năm tiếp theo, tăng cường gắn với mục tiêu đánh giá việc triển khai và kết quả thực hiện SDG theo Chương trình nghị sự của LHQ mà Việt Nam đã tham gia và cam kết. Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước đã áp dụng Hướng dẫn kiểm toán SDG của Cơ quan sáng kiến phát triển của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (IDI) vào việc kiểm toán thực hiện SDG.

Hợp tác nâng cao vị thế Kiểm toán Nhà nước trong khu vực Đông Dương ảnh 1Bà Hà Thị Mỹ Dung-Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Kiểm toán nhà nước Việt Nam với vai trò là cơ quan kiểm toán độc lập việc quản lý tài chính công, tài sản công, đã luôn bám sát và đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, gián tiếp đóng góp vào các kết quả đã đạt được, như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều; nâng cao chất lượng, đời sống của người dân các vùng dân tộc, thiểu số; tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; nâng cao tỷ lệ trẻ em được đến trường; đảm bảo hầu hết các hộ dân có nguồn nước hợp vệ sinh; tăng tỷ lệ hộ gia đình Việt Nam đã được tiếp cận với điện… qua đó góp phần duy trì tỷ lệ tăng trưởng GDP giai đoạn 2018-2020 ở mức tương đối cao đồng thời đảm bảo tính ổn định và bền vững của nền tài chính quốc gia, từ đó nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hội nhập với thế giới.

- Hội nghị ba bên Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ 9 dự kiến được tổ chức từ ngày mai, xin bà chia sẻ công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 9?

Bà Hà Thị Mỹ Dung: Theo kế hoạch, Hội nghị lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Lào vào năm 2021, tuy nhiên, do Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hội nghị lần này được tổ chức từ ngày 25-26/8/2021 theo hình thức trực tuyến.

Theo đó, các hoạt động tại Hội nghị ba bên lần thứ 9 sẽ gồm: Tóm tắt quá trình hợp tác ba bên và định hướng thúc đẩy hợp tác giữa ba cơ quan Kiểm toán Nhà nước Việt Nam-Lào-Campuchia; báo cáo những kết quả đạt được đối với kiểm toán công tác chuẩn bị cho việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững cho đến nay;

Với chủ đề “Kiểm toán thu ngân sách thông qua Hệ thống Công nghệ thông tin,” mỗi cơ quan Kiểm toán Nhà nước sẽ chuẩn bị một bài thuyết trình với các nội dung chính gồm: Đánh giá rủi ro về kiểm soát nội bộ như quá trình thu ngân sách từ thuế và hải quan của đơn vị kiểm toán; hệ thống thu ngân sách và an ninh dữ liệu của đơn vị kiểm toán và Chuẩn bị và thực hiện kiểm toán thu ngân sách thông qua Hệ thống công nghệ thông tin (Kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động).

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ trình bày hai bài tham luận về: Kết quả đạt được trong việc thực hiện kiểm toán công tác chuẩn bị cho việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững; Kiểm toán thu ngân sách thông qua Hệ thống Công nghệ thông tin./.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục