Một loạt Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao về hợp tác Đông Á đã diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 9/9. Tất cả các bên tập trung vào thảo luận về hợp tác khu vực Đông Á trong tình hình dịch bệnh và tiến hành trao đổi chuyên sâu.
Với tư cách là lực lượng chính dẫn dắt và thúc đẩy hợp tác Đông Á, Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục xây dựng sự đồng thuận và hợp tác sâu rộng hơn nữa trong hai nhiệm vụ lớn là cùng nhau chống dịch và phục hồi nền kinh tế, đồng thời góp tiếng nói mạnh mẽ nhất vào việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực cũng như thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Kể từ khi bùng phát đại dịch COVID-19, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN không hề bị chững lại, ngược lại càng được tôi luyện, thăng hoa và bước sang một giai đoạn phát triển toàn diện mới.
Hai bên cùng hợp tác chống dịch bệnh, ổn định kinh tế và bảo đảm dân sinh, đồng thời tiếp tục tạo động lực mới ngày càng sâu sắc cho hợp tác khu vực Đông Á và làm sâu sắc thêm nội hàm mới của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc-ASEAN.
Hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đã thúc đẩy sự phục hồi bền vững của nền kinh tế khu vực Đông Á. Kể từ đầu năm nay, hợp tác thương mại và đầu tư Trung Quốc-ASEAN tăng trưởng ổn định.
Tổng giá trị thương mại trong tám tháng đầu năm là 2.930 tỷ nhân dân tệ (428 tỷ USD), tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, đầu tư trực tiếp phi tài chính của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng 53,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều đáng nói là ASEAN đã lần đầu tiên vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, đạt được bước đột phá lịch sử khi hai bên là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, thể hiện tiềm năng to lớn và khả năng phục hồi mạnh mẽ của quan hệ hợp tác cùng có lợi.
[ASEAN-Trung Quốc ghi nhận thương mại song phương vẫn tăng mạnh]
Trung Quốc đã thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại và đầu tư đồng thời giúp các nước ASEAN phòng chống "đại dịch kinh tế." Kinh tế các nước ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, để thúc đẩy kinh tế-xã hội phục hồi sau dịch, Trung Quốc và các nước ASEAN như Singapore, Lào, Myanmar, Indonesia đã thiết lập các “kênh nhanh” về nhân sự và “kênh xanh” về hàng hóa, khôi phục các chuyến bay quốc tế trực tiếp với Việt Nam và các nước ASEAN khác, đồng thời tích cực tìm hiểu việc thiết lập mạng lưới "kênh nhanh" và "kênh xanh" khu vực Trung Quốc-ASEAN và Đông Á, thúc đẩy việc xây dựng mạng lưới an toàn tài chính khu vực, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp và ổn định tài chính khu vực.
Trung Quốc đã thiết lập một mô hình phát triển mới để tạo động lực mới cho sự tăng trưởng của Đông Á. Trung Quốc đang xây dựng một mô hình phát triển mới, trong đó lấy vòng tuần hoàn lớn trong nước làm chủ thể và vòng tuần hoàn kép trong nước và quốc tế được thúc đẩy lẫn nhau.
Việc tăng cường tuần hoàn trong nước sẽ kích thích mạnh mẽ nhu cầu trong nước và tạo ra một thị trường tiêu dùng rộng lớn hơn cho tất cả các bên, trong đó có ASEAN.
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc mang đến nhiều cơ hội phát triển hơn cho các ngành dịch vụ như du lịch ở Đông Nam Á; trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, các công ty Trung Quốc hỗ trợ kỹ thuật cho các nước ASEAN chống dịch bệnh và thương mại điện tử xuyên biên giới giúp các công ty Đông Nam Á mở cửa thị trường Trung Quốc.
Trong lĩnh vực hợp tác chuỗi công nghiệp và chuỗi cung ứng, các nước ASEAN nhìn chung mong đợi nhiều công ty Trung Quốc đầu tư hơn, để ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, Trung Quốc và ASEAN luôn duy trì hợp tác chặt chẽ nhằm cùng thúc đẩy việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực trong năm nay.
Ngoài ra, đối mặt với tác động của dịch bệnh, Trung Quốc và ASEAN đã đạt được kết quả khả quan trong việc cùng xây dựng sáng kiến “Vành đai và Con đường” chất lượng cao. Từ đầu năm đến nay, hai bên đã phối hợp chặt chẽ, khăng khít trong cả công tác phòng chống dịch và sản xuất, xây dựng.
Các dự án lớn xây dựng “Vành đai và Con đường” như Đường sắt Trung Quốc-Lào, Đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung, Đường cao tốc Phnom Penh-Sihanoukville đang tiến triển ổn định, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế và xã hội của các nước ASEAN.
Quan hệ Trung Quốc-ASEAN là quan hệ năng động nhất và phong phú nhất trong quan hệ đối tác ASEAN và các nước đối thoại. Nhìn lại lịch sử quan hệ Trung Quốc-ASEAN, dù là khủng hoảng tài chính châu Á hay khủng hoảng tài chính quốc tế, sau mỗi cuộc khủng hoảng, quan hệ Trung Quốc-ASEAN lại gắn bó hơn, hợp tác Trung Quốc-ASEAN ngày càng bền chặt.
Trước tình hình dịch bệnh, hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN đã đi ngược lại xu thế, đó là “lá phiếu tín nhiệm” mà Trung Quốc và ASEAN bỏ phiếu tín nhiệm cho triển vọng phát triển của nhau, đủ để thể hiện sự tin cậy lẫn nhau sâu sắc phi thường giữa Trung Quốc và ASEAN đồng thời thể hiện đầy đủ sức bật mạnh mẽ của quan hệ kinh tế thương mại giữa hai bên.
Năm tới là dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN. Trải qua thử thách do đại dịch, hai bên càng nhận thức sâu sắc hơn tầm quan trọng của việc thúc đẩy xây dựng cộng đồng Trung Quốc-ASEAN với tương lai chung, đồng thời sẽ tiếp tục ủng hộ vững chắc chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế và thương mại, đồng thời tìm ra những điểm phát triển mới cho hợp tác Trung Quốc-ASEAN, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi kinh tế khu vực và toàn cầu./.