Hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo động lực kép phát triển nông nghiệp

Nhiều giải pháp xây dựng hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp giai đoạn 2015-2016 và 2017-2020 đã được thảo luận tại buổi tọa đàm ở Hà Nội.
Hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo động lực kép phát triển nông nghiệp ảnh 1Chuẩn bị cây giống tại vườn ươm của một hợp tác xã ở Đà Lạt. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Liên mình Hợp tác xã Việt Nam, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Xây dựng các hợp tác xã kiểu mới trong nông nghiệp như thế nào trong giai đoạn 2015-2016 và 2017-2020”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp Việt Nam vì nó tạo ra sự tương tác đồng hướng của 4 lợi ích: lợi ích của hơn 10 triệu hộ nông dân, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích các nước giao thương với Việt Nam.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng đưa ra những giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, hợp tác xã kiểu mới sẽ tạo ra động lực kép, phát triển nông nghiệp Việt Nam, vì nó vừa duy trì sự quan tâm, nỗ lực sáng tạo cao nhất của từng hộ nông dân (trồng trọt, chăn nuôi, nghề cá…) và họ vẫn là người chủ đầy đủ hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi mở, cần tổ chức tham khảo sát về hợp tác xã kiểu mới ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung và phía Nam.

Trên cơ sở mô hình của các hợp tác xã chăn nuôi hoạt động hiệu quả, tổ chức tổng kết và vận động thành lập các hợp tác xã chăn nuôi kiểu mới; phấn đấu cuối năm 2015 có một số hợp tác xã chăn nuôi kiểu mới ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam.

Bên cạnh đó, kết hợp với thực tiễn hoạt động nghề cá ở miền Trung, tháng 7/2015 xây dựng hướng dẫn thành lập các hợp tác xã nghề cá.

Trong đó, các hợp tác xã có tàu dịch vụ của hợp tác xã phục vụ các xã viên và hình thành liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Năm 2016, sơ kết hoạt động của các hợp tác xã nghề cá để tiếp tục hoàn thiện và thành lập thêm các hợp tác xã nghề cá mới…

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, hiện cả nước có hơn 10.000 hợp tác xã hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 52% tổng số hợp tác xã, trong đó hơn 9.000 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với tổng số thành viên khoảng 6,7 triệu người.

Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đã gắn kết được hoạt động sản xuất kinh doanh với phát triển ngành nghề nông thôn, tham gia thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cho hay, ngoài các hợp tác xã hoạt động tốt, về cơ bản, tình trạng khó khăn, tồn tại, yếu kém của nhiều hợp tác xã nông nghiệp chưa được khắc phục.

Có thể kể đến như năng lực nội tại của nhiều hợp tác xã nông nghiệp còn yếu kém cả về tài chính, cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ và hạn chế quy mô hoạt động; hầu hết trình độ quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ hợp tác xã còn hạn chế; hiệu quả hoạt động của hợp tác xã còn thấp, chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên…

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các giám đốc hợp tác xã đã tham gia thảo luận và trao đổi để tiếp tục làm rõ về lý luận và thực tiễn về hợp tác xã kiểu mới; những kinh nghiệm thành lập và phát triển hợp tác xã kiểu mới, mô hình liên kết trong sản xuất giữa hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp ở từng khu vực, từng vùng miền trong cả nước; vai trò và trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới trong giai đoạn 2015-2020…

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, để phát triển, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên cần nâng cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế hợp tác. Mặt khác, đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Liên minh hợp tác xã, Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục