Tại hội thảo khoa học “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế,” Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh kinh tế tập thể sinh ra là để hộ cá thể tiếp tục hoạt động hiệu quả hơn về mặt kinh tế.
Đây là phương thức để các hộ cá thể có thể cạnh tranh được trong kinh tế thị trường.
Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, kinh tế hợp tác đã có chủ trương từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chưa phát triển được như mong đợi.
Các cấp ủy cũng như người dân cần phải nhận thức rõ, khi tham gia kinh tế hợp tác sẽ không phủ định kinh doanh cá thể, chỉ giúp kinh doanh cá thể tốt hơn.
Hợp tác xã không triệt tiêu sản xuất cá thể mà hỗ trợ sản xuất cá thể tốt hơn. Kinh tế hợp tác sẽ giúp nông dân phát triển sản xuất hơn bằng chính kết quả của mình với chi phí đầu vào thấp, đầu ra thuận lợi.
Trong thời gian qua, kinh tế tập thể tiếp tục có những chuyển biến nhất định, nhiều hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã đã chuyển đổi, thành lập mới, hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.
Hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác đa dạng về ngành nghề, lĩnh vực; số hợp tác xã, tổ hợp tác liên tục tăng, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, theo ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, về tổng thể, chuyển biến của khu vực kinh tế tập thể còn chậm, tình trạng yếu kém của kinh tế tập thể chưa được khắc phục.
Tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tập thể chậm, thiếu ổn định, tỷ lệ đóng góp vào GDP của cả nước giảm dần; quy mô của tổ hợp tác, hợp tác xã nhỏ; trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý yếu, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã, tổ hợp tác còn thấp; nhiều hợp tác xã chưa chuyển đổi, hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo hình thức xã viên không góp vốn, góp sức và hoạt động của hợp tác xã, chỉ sử dụng một số dịch vụ như thủy lợi, vật tư nông nghiệp của hợp tác xã.
Vấn đề xử lý nợ xấu của hợp tác xã kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, hoạt động yếu kém, hiệu quả thấp, trong khi xã viên toàn bộ là các hộ nông dân trong thôn, xã làm mất đi cơ hội hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới.
Theo ông Vương Đình Huệ, vấn đề đặt ra là trong cơ chế thị trường sự phát triển của hợp tác xã, tổ hợp tác là một tất yếu khách quan.
Trước yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế ngày càng sâu rộng, sản xuất trong nước phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhu cầu hợp tác giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phầm hàng hóa là hết sức cần thiết.
Trong sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay chủ yếu là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún thì nhu cầu hợp tác trong sản xuất càng trở nên bức thiết.
Ông Triệu Tài Vinh, Bí thứ Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, khâu yếu nhất trong phát triển kinh tế hợp tác vẫn là khâu tổ chức nông dân; cách tiếp cận về kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn còn khác nhau.
Qua một số mô hình điểm xây dựng hợp tác xã thành công ở tỉnh Hà Giang cho thấy, các tổ hợp tác được thành lập có nhiệm vụ vừa chỉ đạo sản xuất, vừa hỗ trợ các hộ gia đình phát triển sản xuất tập trung theo phương trâm 4 có-5 cùng (có chỉ đạo-đầu tư có thu hồi-quỹ phát triển thôn-nhóm sở thích; cùng chỉ đạo-giống-thời vụ-chăm sóc-thu hoạch); xây dựng các làng nghề truyền thống, tạo vùng nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, chế biến nông nghiệp.
Sau khi thí điểm thành công các tổ hợp tác sản xuất đã chủ động nhân rộng mô hình. Nhờ đó đến nay các tổ hợp tác sản xuất của tỉnh đã phát triển khá mạnh và chủ yếu làm dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ nông dân trong sản xuất.
Rút kinh nghiệm từ việc xây dựng Hợp tác xã của mình, ông Phan Quốc Ân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quý Hiền, (Lào Cai) cho rằng thành viên xã viên trước hết phải cùng nghề sản xuất, có ý thức và nhu cầu tham gia Hợp tác xã.
Nguyên tắc hợp tác xã nên hoạt động trên nguyên tắc lấy đơn vị hộ làm đơn vị hạch toán kinh doanh, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất của mình. Từ đó sẽ phát huy được tính năng động, sáng tạo của các thành viên.
Xét một cách tổng thể, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mô hình Hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế do 4 nhóm vấn đề cách tiếp cận, chính sách, quản lý nhà nước và vai trò của cấp ủy.
“Chẳng hạn như về cách tiếp cận, hợp tác xã là loại hình cao của kinh tế tập thể, tạo ra lợi ích cho các bên tham gia. Chúng ta có thể có thể tạo ra nhiều Hợp tác xã, nhưng nếu mối liên kết trong Hợp tác xã không hiệu quả thì hiệu quả của Hợp tác xã đó cũng sẽ thấp. Phải làm rõ mục tiêu là phải có nhiều Hợp tác xã không hay vấn đề chính là thúc đẩy sự liên kết, đem lại lợi ích cho các bên tham gia,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Đến hết năm 2013, cả nước có 10.339 hợp tác xã; trong đó có 9.221 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, tổng hợp) và 1.136 hợp tác xã chuyên ngành.
Tổng số xã viên hợp tác xã nông nghiệp cả nước khoảng 6,7 triệu người./.