HSBC: Ấn Độ, Indonesia và VN sẽ thu hút vốn FDI

Theo HSBC, Ấn Độ, Indonesia và VN sẽ hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển vốn FDI do lao động dồi dào, thị trường nội địa phát triển mạnh.
Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nước tiếp nhận nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong số các nước đang phát triển. Nhưng với chi phí ngày càng tăng do lương nhân công cao hơn và đồng Nhân dân tệ tăng giá, Trung Quốc đang phải đối mặt với thực trạng nhiều công ty đa quốc gia tìm kiếm mở rộng sản xuất sang các quốc gia khác.

Theo bản nhận định mang tên Cuộc dịch chuyển vĩ đại mà Tập đoàn HSBC công bố ngày 10/1, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam sẽ hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển này do nguồn lao động dồi dào và thị trường nội địa phát triển mạnh.

HSBC cho rằng: Gần đây, phần lớn đầu tư từ Nhật Bản đã chuyển tới các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Việt Nam để hạn chế rủi ro từ Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa sâu sắc đối với các nước này nếu họ thực hiện chính sách để tận dụng lợi ích từ sự dịch chuyển.

Và không chỉ Nhật Bản, các công ty từ nhiều nước khác cũng góp phần vào trào lưu dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc khi họ tìm những cơ sở rẻ hơn. Ấn Độ là điểm đến hàng đầu. Các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Việt Nam tiếp tục mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư.

Philippines và Việt Nam là hai nước có lực lượng lao động lớn và thị trường đủ lớn để duy trì nhu cầu nội địa mạnh mẽ. So với Philippines, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút FDI trong lĩnh vực sản xuất thông qua chính sách và các ưu đãi một cách mạnh mẽ hơn. Nếu thu nhập tiếp tục tăng, HSBC tin rằng Việt Nam sẽ trở thành một đích đến ngày càng hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.

Nếu tính tỷ lệ GDP, Việt Nam là nước lớn đứng thứ hai về thu hút FDI tại Đông Nam Á sau Singapore. Thành quả này có được là do Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ nhất trong số các nước Đông Nam Á và môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia, mặc dù Việt Nam vẫn còn thua đáng kể so với Thái Lan và Malaysia.

Việc Nhật Bản tăng nhanh đầu tư vào Việt Nam được xem là dấu hiệu tích cực cho năng lực sản xuất và tăng trưởng trong ngành sản xuất trong tương lai. Năm 2011, đầu tư của Nhật Bản chiếm 25% tổng số dòng vốn FDI vào Việt Nam và trong 10 tháng năm 2012 con số này đã tăng tới 58%.

Cuộc khảo sát cho thấy nếu Việt Nam tiếp tục cải thiện các điều kiện kinh tế thì FDI có khả năng tăng tốc. Các lĩnh vực quan ngại bao gồm cơ sở hạ tầng, tiếp cận với nguyên vật liệu thô, thuế hải quan, thủ tục hành chính, tham nhũng và hàng hóa trung gian cho sản xuất. Ngay cả trong môi trường kinh doanh hiện tại, nhiều công ty Nhật Bản đang đổ xô đến Việt Nam để giảm chi phí và mở rộng cơ sở sản xuất.

Với việc Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô hơn là tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam sẽ có nhiều tiến bộ. Trong thập kỷ tới, khi chi phí sản xuất tăng lên ở Trung Quốc và Thái Lan,Việt Nam có thể được định vị để lấp đầy khoảng trống và di chuyển lên cao trong chuỗi giá trị./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục