Huế tổ chức trang trọng lễ tế Giao ở Đàn Nam Giao

Nằm trong Festival Huế 2012, tối 8/4, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trang trọng lễ tế Giao tại Đàn Nam Giao, một lễ tế có từ thời nhà Nguyễn.
Tối 8/4, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức trang trọng lễ tế Giao tại Đàn Nam Giao (tế trời, đất), một lễ tế có từ thời nhà Nguyễn nhằm mục đích cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, thịnh vượng.

Lễ tế bắt đầu vào lúc 20 giờ, từ việc rước bài vị (34 bài vị) từ Trai Cung sang Đàn Nam Giao. Từ đây, bắt đầu diễn ra buổi lễ tế đàn, với hơn 1.000 người trong trang phục nghi lễ cung đình xưa (phục chế) tham gia.

Khác với các kỳ Festival trước, năm nay, lễ tế Giao, ngoài phần nghi lễ tế tại Đàn Nam Giao, các giai đoạn còn lại được tổ chức dưới dạng sân khấu hóa để phục vụ cho Festival Huế 2012. Tuy lễ hội không có đoàn voi, ngựa cùng vua, quan, binh lính xuất cung và hồi cung như Festival Huế 2010, nhưng lễ tế Giao là một lễ hội chính trong Festival Huế 2012, với đầy đủ các nghi lễ trang trọng nên thu hút đông đảo du khách và nhân dân đến dự lễ.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, ngày xưa, nghi lễ ở Đàn Nam Giao được xem là phức tạp nhất. Trình tự của lễ tế với các nghi thức tế lễ như: Lễ quán tẩy, lễ đón các thần, lễ tế ngọc và lụa, lễ tấn trở, lễ hiến tước, lễ truyền chúc, lễ á hiến, lễ ban phúc, lễ triệt hạ đã được diễn ra uy nghiêm, kính cẩn như tấm lòng thành của cả vua quan cùng dân chúng dâng lên trời, đất và các vị thần linh để cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình; đồng thời còn thể hiện ý tưởng gắn kết giữa con người với thế giới tự nhiên và môi trường sống.

Đàn Nam Giao được xây dựng dưới triều Nguyễn vào năm 1803, thời vua Gia Long. Năm 1806, đàn được dời về phía nam của kinh thành Huế, trên một quả đồi lớn thuộc làng Dương Xuân, nay thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đàn Nam Giao gồm 3 tầng, tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và con người.

Từ khi đàn tế được xây dựng xong, lễ tế trời được cử hành tại đàn Nam Giao vào trung tuần tháng hai hàng năm. Trước triều vua Thành Thái, lễ được tổ chức một năm hoặc hai năm một lần. Đến năm Thành Thái thứ 2 (1890), ba năm tế một lần. Trong lễ tế Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc ủy thác cho quan khâm mệnh đại thần làm chủ tế.../.

Quốc Việt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục