Huy động nguồn tài chính quốc tế cho điện gió tại Việt Nam

Tại hội thảo "Thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió ở Việt Nam,” nhiều tham luận chia sẻ về những thách thức, biện pháp giảm thiểu rủi ro khi cấp vốn cho dự án.
Dự án nhà máy điện gió Mũi Dinh (huyện Thuận Nam) công suất 23 MW đang được nhà đầu tư gấp rút thi công. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Dự án nhà máy điện gió Mũi Dinh (huyện Thuận Nam) công suất 23 MW đang được nhà đầu tư gấp rút thi công. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 11/6, tại Hà Nội, Hiệp hội Điện gió toàn cầu (GWEC) tổ chức hội thảo "Thúc đẩy huy động tài chính cho dự án điện gió tại Việt Nam.”

Tại hội thảo, nhiều tham luận đã chia sẻ về những thách thức và biện pháp giảm thiểu rủi ro khi cấp vốn cho các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo Báo cáo tại hội thảo, tính đến cuối năm 2018, tổng công suất lắp đặt điện gió tại Việt Nam đạt khoảng 228MW. Đây là một con số còn rất nhỏ so với các thị trường phát triển khác trên thế giới.

Theo ông Benoit Nguyen, Trưởng bộ phận Cố vấn năng lượng tái tạo, Công ty năng lượng DNV GL, chỉ tiêu của Chính phủ Việt Nam đặt ra tham vọng đến năm 2020 sẽ đạt 800MW, năm 2025 đạt 2GW và 2030 là 6GW.

Về tiềm năng gió, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có tiềm năng tốt với tốc độ gió quanh mức 6,5-7,5 m/s và chiều cao tuabin 120m là có thể hoạt động.

Cơ chế giá FIT (giá áp dụng cho điện sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo để bán lên lưới hoặc sử dụng tại chỗ nhằm giảm tải cho lưới điện) cho điện gió cũng rất tốt với 8,5 cent/kWh trên bờ và 9,8 cent/kWh cho dự án ngoài khơi.

Cùng với các chính sách ưu đãi khác như miễn thuế nhập khẩu thiết bị, thuế thu nhập doanh nghiệp... đây sẽ là lợi thế thu hút đầu tư của Việt Nam.  

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các nhà đầu tư làm sao thúc đẩy các dự án để đưa dự án vào hoạt động trước thời hạn 1/11/2021 theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam để hưởng giá FIT tốt nhất.

[EVN sẽ đưa vào vận hành hơn 30 nhà máy điện Mặt Trời trong tháng 6]

Các dự án cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như rủi ro thương mại, các văn bản pháp quy... Cụ thể là rủi ro thương mại trong giai đoạn xây dựng phải xem hồ sơ tổng thầu, hợp đồng, bảo hành, quản lý dự án. Liên quan tới pháp quy phải xem xét những thay đổi pháp quy, đấu nối, lên lưới, nhân công, bảo hiểm, thuế...

Bên cạnh đó, ông Benoit Nguyên cũng cho rằng, rủi ro pháp quy như xem xét giấy phép, thuê đất, đánh giá môi trường, xã hội của dự án là những rủi ro có mức độ cao nhất.

Theo bà Liming Qiao, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Điện gió toàn cầu, với tiềm năng về điện gió rất lớn, Việt Nam sẽ là điểm đầu tư hấp dẫn, nếu có được các khung pháp lý ổn định và lâu dài. Việt Nam cần nỗ lực hơn để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.

Bên cạnh đó, các hợp đồng mua bán điện phải được chuẩn hóa; quy trình phê duyệt dự án cần đơn giản, rõ ràng hơn để có thể thúc đẩy các nhà đầu tư tham gia vào thị trường này.

Theo Tập đoàn Tài chính Năng lượng mới Bloomberg, có nhiều yếu tố đang giúp giảm chi phí đầu tư và hiệu quả các dự án. Chi phí đầu tư ban đầu, mua sắm thiết bị hiện cũng đã giảm khá nhiều. Giá tuabin gió đã giảm khoảng 45% trong 6-7 năm gần đây. Các chi phí vận hành, bảo dưỡng cũng đang được giữ ở mức ổn định và có xu hướng giảm.

Về công suất các tuabin, mỗi năm, công suất các tuabin đã tăng khoảng một điểm phần trăm. Chi phí vốn vay các dự án cũng đang giảm bởi xu hướng các ngân hàng Trung ương là giảm lãi suất để kích thích kinh tế.

Liên quan đến công nghệ, nhiều chuyên gia tại hội thảo cho rằng, hiện nay với giá thiết bị đang giảm dần, công nghệ được đẩy mạnh sẽ tạo ra công suất, hiệu quả dự án cao hơn. Như vậy, vấn đề còn lại sẽ là huy động vốn như thế nào để phát triển các dự án. Nếu muốn tăng công suất điện gió thêm sẽ phải đẩy mạnh huy động từ các nguồn tài chính quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục