Hy Lạp bơm 18 tỷ euro tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Hy Lạp đã bơm 18 tỷ euro cho bốn ngân hàng lớn nhất nhằm giúp các định chế tài chính ốm yếu này giành lại quyền tiếp cận với ECB.
Ngày 28/5, Chính phủ Hy Lạp đã bơm 18 tỷ euro (22,6 tỷ USD) cho bốn ngân hàng lớn nhất nhằm giúp các định chế tài chính ốm yếu này giành lại quyền tiếp cận với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết khoản hỗ trợ tài chính - thông qua trái phiếu của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) - ngoài tác dụng tăng dự trữ vốn đang kiệt quệ của bốn ngân hàng lớn nhất Hy Lạp (gồm National Bank, Alpha, Eurobank và Piraeus Bank), còn giúp phục hồi lượng vốn cần thiết, cho phép những ngân hàng này tiếp cận với các nguồn tài chính của ECB và đủ nguồn lực để hỗ trợ nền kinh tế đang trong thời kỳ khủng hoảng.

Theo Bộ Tài chính Hy Lạp, khoản hỗ trợ 18 tỷ euro nói trên sẽ được chuyển vào Quỹ ổn định tài chính Hellenic (HFSF), được thành lập để tiếp nhận các khoản trợ giúp từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khuôn khổ gói hỗ trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỷ euro dành cho Hy Lạp.

Hiện HFSF đã nhận được 25 tỷ euro từ gói cứu trợ thứ hai và số tiền 18 tỷ euro cấp cho bốn ngân hàng trên là khoản giải ngân lớn nhất nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Sau khi hoàn tất các thủ tục, HFSF đã cấp cho National Bank 6,9 tỷ euro, Alpha nhận được 1,9 tỷ euro, Eurobank được 4,2 tỷ euro và Piraeus Bank nhận được 5 tỷ euro.

Trong khi khó khăn kinh tế Hy Lạp chưa được khai thông, những lo ngại về tình trạng nợ công Tây Ban Nha càng làm gia tăng nguy cơ về sự sụp đổ của cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, trong cuộc họp báo ngày 28/5 tuyên bố chi phí vay của nước này đã lên tới 7% - mức nguy hiểm nhất trong 10 năm qua và cổ phiếu của Bankia, ngân hàng lớn thứ tư của Tây Ban Nha, đã rơi xuống mức thấp kỷ lục sau khi chính phủ cho biết nợ công của nước này có thể sẽ lên tới 79,8% GDP dự kiến của năm nay.

Bankia đã công bố báo cáo cho biết năm ngoái, ngân hàng này đã thua lỗ khoản 3 tỷ euro (3,75 tỷ USD) và cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm tới 26% giá trị trong phiên giao dịch đầu giờ ngày 28/5.

Ngoài khoản 4,5 tỷ euro đã nhận được, hiện Bankia cần thêm 19 tỷ euro (23,75 tỷ USD) từ ngân sách chính phủ để bù đắp cho những thiệt hại từ các khoản đầu tư và nợ khó đòi.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Mariano Rajoy vẫn bác bỏ khả năng tìm kiếm sự trợ giúp từ bên ngoài cũng như kế hoạch tái cơ cấu để cứu hệ thống ngân hàng vốn đang rơi vào tình trạng khó khăn của nước này.

Ông Rajoy tuyên bố ủng hộ quỹ cứu trợ của Eurozone, được tháng lập từ tháng 7/2011, nhằm cho phép ngân hàng các nước thành viên vay tiền trực tiếp để xử lý tình hình, song cho biết hiện Tây Ban Nha chưa cần bất kỳ gói cứu trợ nào của châu Âu.

Trong khi đó, đồng euro trên thị trường tiền tệ cũng mất giá thảm hại. Nhật báo Le Monde ra ngày 28/5 có bài viết trên trang nhất "Đồng euro bị đẩy xuống mức thấp nhất trong 2 năm." Theo báo trên, có hai luồng phản ứng trái ngược với việc đồng euro hạ xuống dưới mức 1 euro đổi được 1,25 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010.

Giới doanh nhân tỏ ra vui mừng trước xu thế này, vì đồng euro thấp sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của châu Âu hạ giá một cách tự nhiên, như vậy tăng khả năng cạnh tranh của hàng châu Âu trên thị trường thế giới.

Những người ủng hộ một đồng euro mạnh cũng không thể phủ nhận mặt tích cực của việc euro hạ giá, nhất là khi nó đi kèm với việc giá dầu hạ. Sự song hành này mang lại một hệ quả tích cực, xét trên tổng thể đối với Eurozone, khiến sức mua của các gia đình châu Âu tăng.

Trong số các nước được hưởng lợi nhiều nhất có Pháp và Italy. Tuy nhiên, Đức không mặn mà với điều này, vì với các mặt hàng chất lượng cao, xuất khẩu của Đức vẫn mạnh, ngay cả khi euro cao giá.

Việc đồng euro xuống giá cho thấy sự khác biệt lớn giữa các nước thành viên. Trong khi việc euro thấp có lợi cho hàng xuất khẩu của một số nước có lượng hàng xuất khẩu ra ngoài khối cao, thì điều này không mang lợi ích đáng kể cho những nước mà xuất khẩu chủ yếu là sang các nước trong khối, như Bồ Đào Nha (với 60% xuất khẩu sang các nước cùng khu vực đồng euro), hay những nước xuất khẩu ít, như Hy Lạp (với lượng xuất khẩu chiếm 21%).

Trước diễn biến hết sức phức tạp tại Hy Lạp và nguy cơ cuộc khủng hoảng ngân hàng tiếp tục kéo đổ nền kinh tế Tây Ban Nha, ngày 28/5, Thủ tướng Anh David Cameron đã triệu tập khẩn cấp cuộc họp các nhà hoạch định chính sách hàng đầu để thảo luận về kế hoạch dự phòng ứng phó với khả năng sụp đổ của Eurozone.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, Thủ tướng Cameron và các quan chức chính phủ cấp cao đã gặp Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mervyn King và nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Khu tài chính London Lord Turner để bàn về các biện pháp đối phó với triển vọng đang xấu đi và các vấn đề phát sinh từ nguy cơ đổ vỡ.

Ngoài việc các bộ trong chính phủ lên kế hoạch dự phòng riêng của từng lĩnh vực, Bộ Ngoại giao Anh sẽ xem xét các biện pháp để giúp đỡ những công dân Anh đi du lịch ở Hy Lạp nếu các điểm rút tiền hết tiền hoặc họ bị mắc kẹt trên các đảo của Hy Lạp.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May cho biết đang lên kế hoạch kiểm soát người nhập cư khẩn cấp để hạn chế nhập cư tràn lan của người Hy Lạp và cư dân các nước EU vào Anh trong trường hợp đồng euro sụp đổ.

Kinh tế Anh hiện đang gặp khó khăn với tăng trưởng âm 0,3% trong quý 1 năm 2012, triển vọng xấu hơn nhiều so với dự đoán. Ngày 15/5, BoE đã phải hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ 1,2% xuống còn 0,8% trong năm nay và giảm từ 3% xuống 2% trong năm 2013.

Ngân hàng Trung ương Anh cũng dự báo rằng lạm phát sẽ không giảm nhanh như kỳ vọng mà nguyên nhân chủ yếu là do mối đe dọa tiếp tục từ cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone. Ông Mervyn King thừa nhận “tình hình bất ổn tại Eurozone là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế Anh”./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục