Hy Lạp: Gói biện pháp khắc khổ mới không đạt kết quả

Thảo luận việc thực hiện các biện pháp khắc khổ mới để Hy Lạp nhận khoản giải ngân tiếp theo 31,5 tỷ euro đã không đạt kết quả.
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras và lãnh đạo hai đảng trong chính phủ liên minh, thảo luận việc thực hiện các biện pháp khắc khổ mới để Athens nhận được khoản giải ngân tiếp theo trị giá 31,5 tỷ euro (41,1 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ hai của quốc tế, đã kết thúc ngày 16/10 mà không đạt kết quả.

Trong khi đó, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp với đại diện nhóm "bộ ba" chủ nợ (gồm Liên minh châu Âu-EU, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB), kéo dài hơn 1 tháng nay, cũng lâm vào bế tắc.

Cả Thủ tướng Samaras và các đối tác trong liên minh cầm quyền đều nhấn mạnh sự cần thiết cân bằng phải các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" với việc bảo vệ phần lớn những người dân bị tổn thương nhằm đảm bảo tính liên kết xã hội.

Tuy nhiên, hiện các chủ nợ quốc tế vẫn hối thúc Chính phủ Hy Lạp nhanh chóng hoàn tất gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" lên tới 13,5 tỷ euro (17,4 tỷ USD) trong hai năm 2113-2014, cũng như đẩy mạnh cải cách thị trường lao động. Gói biện pháp này phải được quốc hội 300 ghế của Hy Lạp thông qua (trong đó 3 đảng tham gia liên minh cầm quyền chiếm 179 ghế).

Lãnh đạo đảng Dân chủ cánh tả, một đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, ông Fotis Kouvelis tuyên bố đảng này phản đối các biện pháp có thể hủy bỏ các quyền lao động như nhóm chủ nợ yêu cầu, bởi nếu thực thi, những biện pháp này sẽ càng đẩy suy thoái kinh tế của Hy Lạp vào tình trạng trầm trọng hơn và tỷ lệ thất nghiệp cũng tiếp tục tăng. Chủ tịch đảng PASOK theo đường lối xã hội Evangelos Venizelos cũng nói rằng ông không ủng hộ những cải cách tàn nhẫn trên thị trường lao động.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras cho biết Hy Lạp cần được giải ngân khoản vay cứu trợ ngay lập tức. Giới phân tích cảnh báo nếu không nhận được khoản giải ngân 31,5 tỷ euro nói trên, Hy Lạp khó có thể thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào tháng 1/2013.

Hiện Hy Lạp đang phải thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" và chương trình cải cách cơ cấu nhằm đổi lấy cùng gói cứu trợ trị giá 80 tỷ euro từ năm 2010 và gói cứu trợ thứ hai 130 tỷ euro từ năm ngoái, song các định chế tài chính quốc tế đã nhiều lần nhắc lại rằng Hy Lạp đã không đáp ứng mức thâm hụt ngân sách cả về chỉ tiêu và thời gian.

Dự kiến các cuộc thảo luận mới giữa giới chức Hy Lạp và nhóm "bộ ba" chủ nợ sẽ được nối lại sau Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brúcxen (Bỉ) vào ngày 18/10.

Trong khi đó, bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm, Chính phủ Pháp vẫn khẳng định mục tiêu đưa thâm hụt ngân sách về mức giới hạn 3% (do EU đặt ra) vào năm 2013.

Tuyên bố trên được Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici đưa ra trong cuộc thảo luận tại quốc hội về tình hình kinh tế của Pháp, trong bối cảnh khủng hoảng nợ công tại Eurozone có nguy cơ lan tiếp tục sang một số nước thành viên khác.

Theo ông Moscovici, việc đưa thâm hụt ngân sách về mức quy định của EU không phải là điều quá vô lý, đồng thời cho rằng ngân sách khắc khổ không phải là quả bóng, cũng không phải là sợi xích và càng không phải là trở ngại cản trở những tiến bộ kinh tế - xã hội của nước này.

Viện thống kê INSEE của Pháp dự báo kinh tế nước này sẽ không tăng trưởng trong 2 quí cuối cùng của năm 2012, nhưng đạt 0,2% trong cả năm.

Cùng ngày, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's thông báo giữ nguyên mức xếp hạng Baa3 đối với tình trạng nợ công của Tây Ban Nha, trên một bậc so với mức vỡ nợ. Tuy nhiên, cơ quan xếp hạng tín nhiệm này vẫn đưa ra triển vọng tiêu cực và giữ nguyên cảnh báo hạ bậc tín nhiệm đối với nước này nếu các điều kiện tài chính càng xấu đi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục