Hy Lạp tham gia đường ống dẫn khí xuyên biển Adriatic

Ngày 26/6, tại Athens, Hy Lạp và tập đoàn xây tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Adriatic đã ký thỏa thuận về quy chế hoạt động.
Ngày 26/6, tại Athens, Chính phủ Hy Lạp và tập đoàn xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Adriatic đã ký thỏa thuận về quy chế hoạt động của hệ thống đường ống dẫn này trong tương lai.

Việc ký thỏa thuận trên đánh dấu việc Hy Lạp chính thức tham gia dự án mang tên TAP, trung chuyển khí đốt từ khu vực Caspian tới châu Âu.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras, TAP sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân Hy Lạp, đồng thời giúp nước này trở thành cửa ngõ năng lượng thế giới. Giới chức Hy Lạp hy vọng việc tham gia TAP sẽ giúp Athens thu hút thêm đầu tư, từ đó đưa nước này thoát khỏi suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công.

Dự kiến, thông qua dự án này, Hy Lạp sẽ nhận được khoản đầu tư ban đầu 1,5 tỷ euro (khoảng 1,96 tỷ USD), cùng 12.000 việc làm mới được tạo ra trong 5 năm. Ngoài ra, sau khi đi vào hoạt động, TAP sẽ đem lại cho nền kinh tế Hy Lạp thêm 18 tỷ euro.

Theo dự án này, khí đốt của Azerbaijan sẽ được chuyển qua TAP tới Tây Âu qua Hy Lạp, Albania và Italy. Ngày 13/2 vừa qua, tại thủ đô Athens của Hy Lạp, nước này cùng Albania và Italy đã ký Hiệp định về xây dựng TAP. Dự án sẽ góp phần đa dạng hóa các nguồn năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng tại khu vực châu Âu.

Dự án TAP sẽ được khởi công vào cuối năm 2014 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Công suất của tuyến TAP dài 800km này có thể tăng từ 10 tỷ m3/năm lên 20 tỷ m3/năm, sau khi các trạm nén khí tại Hy Lạp và Albania được xây dựng.

TAP là một phần của dự án Hành lang khí đốt phương Nam mà Liên minh châu Âu (EU) khởi xướng, có thể vận chuyển khối lượng đáng kể khí đốt từ khu vực Caspian tới châu Âu thông qua một mạng lưới các đường ống dẫn không đi qua Nga./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục