Trang VIF đăng bài phân tích của nhà nghiên cứu cao cấp Kota Mallikarjuna Gupta với nhận định chuyển đổi năng lượng đang là xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng để giải quyết thách thức về biến đổi khí hậu trong thế kỷ XXI.
Các biện pháp do các chính phủ thực hiện rất đa dạng dựa trên khả năng và nguồn lực. Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, đã công bố các chính sách để đạt được trung hòa carbon trước năm 2060.
Trung Quốc đã thành lập một nhóm chuyên gia hàng đầu do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu và các quan chức từ 30 bộ, ngành liên quan làm thành viên. Tương tự, một nhóm chuyên gia hàng đầu đặc biệt đã được thành lập cho các công việc liên quan đến phát thải carbon và đạt được mức độ trung hòa carbon năm 2021.
Ngoài việc thành lập các nhóm chuyên gia để giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, Trung Quốc đã đầu tư nguồn lực tài chính để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng.
Đầu tư của Trung Quốc cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong giai đoạn 2016-2020 là 1.048 tỷ USD, trong khi đầu tư của Mỹ là khoảng 540 tỷ USD. Năng lượng hydro được coi là nguồn năng lượng trong tương lai nhằm giải quyết thách thức của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu mà nhiều quốc gia phải đối mặt, trong đó có Trung Quốc.
Chính sách toàn cầu về năng lượng hydro
Việc hoạch định chính sách là rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng cho chuỗi công nghiệp năng lượng hydro. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), 17 chính phủ đã đưa ra chiến lược năng lượng hydro và hơn 20 chính phủ đã công bố kế hoạch phát triển chiến lược năng lượng hydro vào năm 2021.
[EU cấp phép dự án năng lượng hydro trị giá nhiều tỷ euro]
Việc hoạch định chính sách về năng lượng hydro đã được ưu tiên ở các nước Đông Á. Nhật Bản đã triển khai chiến lược năng lượng hydro vào năm 2017 với kế hoạch đưa Nhật Bản trở thành một "xã hội năng lượng hydro."
Hàn Quốc đã công bố Lộ trình Kinh tế năng lượng hydro vào tháng 1/2019 với mục tiêu sản xuất 6,2 triệu xe điện chạy bằng pin nhiên liệu năng lượng hydro (FCV) và 1.200 trạm tiếp nhiên liệu vào năm 2040.
Chính sách năng lượng hydro của Trung Quốc
Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng năng lượng hydro lớn nhất thế giới và đang trong quá trình trở thành nhà sản xuất và bán lẻ vật liệu lưu trữ năng lượng hydro lớn nhất thế giới, đã nhận ra tầm quan trọng của năng lượng hydro đối với hệ thống năng lượng trong tương lai.
Trung Quốc đã công bố Quy hoạch 5 năm về đổi mới công nghệ năng lượng vào tháng 4/2022, nêu bật những đột phá công nghệ được mong đợi trong việc tạo ra và sử dụng năng lượng năng lượng hydro.
Trước đó vào tháng 3/2022, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) và Cơ quan Quản lý Năng lượng Quốc gia (NEA) của Trung Quốc đã cùng đưa ra kế hoạch phát triển năng lượng hydro cho giai đoạn 2021-2035.
Theo kế hoạch này, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất 100.000- 200.000 tấn năng lượng hydro được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo hàng năm và có khoảng 50.000 phương tiện chạy bằng nhiên liệu năng lượng hydro và một loạt các trạm tiếp nhiên liệu năng lượng hydro vào năm 2025.
Kế hoạch này là có một công nghệ ngành công nghiệp năng lượng hydro hoàn chỉnh đến năm 2030 dựa trên sự đổi mới. Trung Quốc có kế hoạch mở rộng đáng kể sản xuất năng lượng hydro từ các nguồn tái tạo vào năm 2035 theo kế hoạch này.
Năng lượng hydro xanh so với năng lượng hydro xám
Trung Quốc đã sản xuất 33 triệu tấn năng lượng hydro vào năm 2021. Sản xuất năng lượng hydro ở Trung Quốc chủ yếu là màu nâu (được tạo ra thông qua đốt than hoặc than non) và năng lượng hydro màu xám (sử dụng than đá 60% và khí đốt tự nhiên 20%).
Các quan chức Trung Quốc không tiết lộ dữ liệu liên quan đến sản lượng năng lượng hydro xanh (được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo). Tuy nhiên, trang thông tin thị trường và chính sách điện sạch của Trung Quốc ước tính sản lượng năng lượng hydro xanh hàng năm của Trung Quốc ở mức 27.000 tấn.
Sản lượng năng lượng hydro xanh chiếm chưa đến 1% tổng sản lượng năng lượng hydro vào năm 2021. Tỷ lệ năng lượng hydro xanh này sẽ duy trì ở mức dưới 1% tổng lượng năng lượng hydro của Trung Quốc trong một số năm, với các mục tiêu tăng lên đối với năng lượng hydro xanh được công bố trong tháng 3/2022.
Mặc dù mức độ ưu tiên thấp đối với năng lượng hydro xanh trong các chính sách của Trung Quốc, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng hydro xanh đã tăng gấp sáu lần vào năm 2019.
Nghiên cứu và bằng sáng chế về công nghệ năng lượng hydro
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Nhật Bản Astamuse, các tổ chức Nhật Bản nộp 34.624 đơn đăng ký bằng sáng chế cho các công nghệ liên quan đến năng lượng hydro trong thập kỷ qua. Các tổ chức Trung Quốc đã đăng ký 21.235 bằng sáng chế, vượt lên Mỹ, Hàn Quốc và Đức trong giai đoạn 2011-2020.
Ngoài ra, Trung Quốc đi trước Nhật Bản về sản xuất, lưu trữ, kiểm soát an toàn và vận chuyển năng lượng hydro.
Một số viện nghiên cứu hàng đầu tham gia nghiên cứu công nghệ năng lượng hydro xanh ở Trung Quốc là Viện nghiên cứu Hàm Đan 718, Đầu tư Năng lượng Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Công nghệ Năng lượng Sạch Huaneng, Viện Vật lý Hóa học Đại Liên, Đại học Thanh Hoa và Đại học Nankai.
Các công ty đầu tư vào năng lượng hydro của Trung Quốc
Các công ty năng lượng của Trung Quốc và các doanh nghiệp nhà nước (SOE) khác đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển và mở rộng chuỗi công nghiệp năng lượng hydro.
Tập đoàn Dầu khí Sinopec đang xây dựng một nhà máy năng lượng hydro xanh trị giá 470 triệu USD với công suất sản xuất hàng năm là 20.000 tấn tại thành phố Kuqa ở Tân Cương.
Sinopec cũng đang xây dựng một cơ sở sản xuất năng lượng hydro xanh tại Ordos, Nội Mông, với sản lượng hàng năm là 10.000 tấn. Công viên năng lượng hydro Jiading ở Thượng Hải đã thu hút hơn 50 dự án công nghiệp.
Các công ty quốc tế cũng là một phần của chuỗi công nghiệp năng lượng hydro ở Trung Quốc. Hyundai dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hệ thống pin nhiên liệu hydro ở Trung Quốc năm 2022, với công suất hàng năm là 6.500 chiếc.
Công ty năng lượng hydro của Bỉ Cockerill Jingli đã làm việc với các tổ chức của Trung Quốc như Huaneng và Viện Vật lý Hóa học Đại Liên để phát triển công nghệ điện phân. Công ty Cummins của Mỹ đã đồng ý với Sinopec để thúc đẩy công nghệ điện phân ở Trung Quốc.
Phương tiện sử dụng nhiên liệu hydro
Trung Quốc chiếm 10% thị trường của xe ôtô điện chạy bằng nhiên liệu khí hydro (FCV) trên toàn cầu. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc, 1.586 FCV đã được bán ở Trung Quốc, trong khi 17.000 FCV đã được bán trên toàn thế giới vào năm 2021. Hơn 1.200 FCV năng lượng hydro đã được triển khai trong Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh năm 2022.
Trong khi đó, nhiều quốc gia quan tâm đến các đoàn tàu phát triển hoạt động bằng nhiên liệu năng lượng hydro. Đức đã cho ra mắt chuyến tàu đầu tiên trên thế giới do Alstom SA chế tạo năm 2018. Siemens và nhà điều hành đường sắt Deutsche Bahn đã công bố chuyến tàu chạy bằng năng lượng hydro tháng 5/2022.
Nhà điều hành đường sắt Nhật Bản JR East bắt đầu các chuyến tàu chạy bằng năng lượng hydro trên tuyến Nanbu, chạy giữa Tokyo và Kawasaki vào tháng 3/2022. Đầu máy xe lửa hybrid (sử dụng hệ thống pin nhiên liệu hydro và pin lithium công suất cao) của Trung Quốc bắt đầu chạy thử nghiệm tại Khu tự trị Nội Mông tháng 10/2021.
Dự án hợp tác này được khởi động bởi công ty con Nội Mông của Tổng công ty Đầu tư Điện lực Nhà nước (SPIC), CRRC Datong và công ty năng lượng hydro của SPIC.
Chính sách năng lượng hydro của các địa phương Trung Quốc
Các địa phương của Trung Quốc có vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái công nghiệp năng lượng hydro. Gần 30 chính quyền địa phương đã nêu bật năng lượng hydro trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và 50 thành phố đã ban hành các chính sách để phát triển ngành công nghiệp hydro địa phương.
10 tỉnh của Trung Quốc đã áp dụng các chiến lược hydro cụ thể và Hà Bắc, Nội Mông và Tứ Xuyên tập trung vào năng lượng hydro xanh.
Nội Mông đã công bố 7 dự án năng lượng hydro xanh lớn với tổng công suất 2,2 GW sản xuất 67.000 tấn năng lượng hydro xanh hàng năm vào khoảng năm 2023. Mục tiêu sản xuất năng lượng hydro xanh ở Nội Mông vào năm 2025 là 500.000 tấn, lớn hơn nhiều so với mục tiêu quốc gia 100.000-200.000 tấn.
Sự thành công của công nghệ năng lượng hydro xanh ở các tỉnh của Trung Quốc như Nội Mông thúc đẩy các nguồn năng lượng bền vững ở Trung Quốc và tác động đến quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Cải tiến trong phát triển công nghệ và giảm chi phí sản xuất năng lượng hydro có khả năng chuyển đổi giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp với ít phát thải carbon hơn. Việc mở rộng quy mô đầu tư từ chính phủ Trung Quốc và các công ty năng lượng vào nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng hydro xanh sẽ thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch.
Giới hoạch định chính sách ở Ấn Độ nên phân tích kỹ các xu hướng toàn cầu liên quan đến công nghệ năng lượng hydro/năng lượng hydro xanh và tiềm năng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Các khoản đầu tư vào nghiên cứu phát triển công nghệ năng lượng hydro từ chính phủ và khu vực tư nhân, cùng với hợp tác quốc tế, là con đường phía trước. Tương tự, năng lượng hydro xanh có tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Ấn Độ trong tương lai./.