Ngày 18/1, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ giảm một nửa trong năm 2024, chủ yếu do những quy định ngày càng nghiêm ngặt về vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch, cũng như sự gia tăng sử dụng các phương tiện chạy bằng điện.
Theo dự báo của cơ quan này, mức tiêu thụ dầu mỏ sẽ giảm từ 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2023 xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Nhu cầu dầu mỏ đã giảm mạnh ngay từ quý 4/2023.
Theo giải thích của IEA, những khó khăn chung về kinh tế, cùng với các chính sách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo mà nhiều nước đang thúc đẩy là hai trong số những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu.
Trong báo cáo hồi đầu tuần, IEA cho biết việc sử dụng năng lượng tái tạo trong năm 2023 đã tăng thêm 50% so với năm 2022, đồng thời kêu gọi các nước cần đầu tư và sử dụng nhiều hơn nữa loại năng lượng này, góp phần trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Ngoài những nguyên nhân đề cập ở trên, IEA cho rằng nhu cầu dầu mỏ sụt giảm kể từ cuối năm 2023 cho thấy nhu cầu du lịch của người dân Trung Quốc sau đại dịch đã giảm xuống.
Tuy nhiên, IEA nhận định nguồn cung dầu mỏ trên thế giới sẽ tiếp tục tăng do sản lượng khai thác kỷ lục của các nước như Mỹ, Brazil, Guyana và Canada.
IEA cũng lưu ý rằng nguồn cung dầu mỏ trên thị trường toàn cầu có thể bị gián đoạn trong năm do ảnh hưởng của cuộc xung đột Hamas-Israel ở Trung Đông và tình hình an ninh ở Biển Đỏ.
Dự báo về nhu cầu dầu mỏ của IEA trái ngược với dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Trước đó, ngày 17/1, OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng ở mức 2,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024, không thay đổi so với dự đoán trong báo cáo tháng 12/2023./.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ tăng trưởng mạnh trong năm 2025
Trong năm 2024, OPEC dự kiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, không thay đổi so với dự kiến trong báo cáo tháng trước.