ILO chọn Việt Nam là đối tác thí điểm khảo sát chuỗi cung ứng việc làm

Việt Nam cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Việc làm Thỏa đáng, đồng thời cùng với các đối tác xã hội và ILO triển khai nhiều chính sách thúc đẩy môi trường làm việc hiệu quả.
ILO chọn Việt Nam là đối tác thí điểm khảo sát chuỗi cung ứng việc làm ảnh 1Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai (thứ tư từ trái sang) và các diễn giả trực tiếp tại Tọa đàm quốc tế. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 16/10, Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã đồng tổ chức Tọa đàm quốc tế giới thiệu dự án Khảo sát Chuỗi cung ứng Việc làm Thỏa đáng trong ngành Điện tử tại Việt Nam.

Sự kiện diễn ra bên lề Hội nghị Quốc tế về Thống kê Lao động lần thứ 21. Đại diện ILO đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác với ILO trên lĩnh vực thống kê lao động cũng như triển khai Chương trình Việc làm Thỏa đáng.

Phát biểu khai mạc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và Việc làm Thỏa đáng, đồng thời cùng với các đối tác xã hội và ILO triển khai nhiều chính sách thúc đẩy môi trường làm việc hiệu quả nhằm đảm bảo quyền lợi của cả người lao động và doanh nghiệp như sửa đổi Bộ luật Lao động, thúc đẩy đào tạo nghề, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt trong bối cảnh tình hình việc làm khó khăn do khủng hoảng kinh tế và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian qua.

Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật ILO dành cho Việt Nam kể từ khi Việt Nam chính thức gia nhập ILO năm 1992, trong đó có việc triển khai Chương trình Quốc gia về Việc làm Thỏa đáng lần thứ tư, giai đoạn 2022-2026 đã được ILO và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ký kết tháng 3/2023, đặc biệt là việc chọn Việt Nam là đối tác triển khai Dự án Thí điểm về Khảo sát Chuỗi cung ứng Việc làm Thỏa đáng trong ngành Điện tử ở Việt Nam, do Tổng cục Thống kê Việt Nam cùng các chuyên gia của ILO chù trì thực hiện.

Dự án này nằm trong tổng thể dự án Khảo sát Chuỗi cung ứng Việc làm Thỏa đáng của ILO. 

Trong khi đó, đại diện cho phía ILO, ông Rafael Diez de Medina; Vụ trưởng Vụ Thống kê, ông Dan Rees; Trưởng Ban Chương trình Hành động về Chuỗi cung ứng, bà Michaelle De Cock; Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Đánh giá, bà Francesca Francavilla, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bộ phận Nghiên cứu và Đánh giá của ILO đã phát biểu giới thiệu về Dự án Thí điểm nêu trên.

Các đại diện của ILO cho biết phương pháp thống kê mới về lao động, ứng dụng công nghệ số được ILO phát triển từ thực tiễn công tác thống kê lao động hơn 20 năm qua; đồng thời cho rằng Dự án Thí điểm ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, cung cấp cơ sở dữ liệu thực tế giúp các nhà hoạch định chính sách có được cái nhìn và đánh giá chính xác, qua đó nâng cao hiệu quả xây dựng, triển khai chính sách lao động, việc làm trong ngành công nghiệp điện tử, để từ đó có thể áp dụng ở các ngành và các nước khác nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu việc làm thỏa đáng cho mọi người ở các nước trên thế giới.

[ILO: Việt Nam là mô hình của sự nỗ lực, phát triển để các nước học tập]

Bên cạnh đó, các đại diện ILO cũng đánh giá cao những nỗ lực hợp tác của Việt Nam, vai trò tích cực của Tổng cục Thống kê Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan của Việt Nam trong triển khai dự án, đồng thời cho rằng kết quả của dự án sẽ là cơ sở và hình mẫu để ILO có thể thúc đẩy áp dụng phương pháp thống kê mới rộng rãi tại các nước, qua đó đẩy mạnh việc xây dựng chính sách dựa trên dữ liệu và bằng chứng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về việc làm thỏa đáng và phát triển bền vững toàn cầu.

Về phía các diễn giả Việt Nam, bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập Dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ Thông tin Thống kê thuộc Tổng cục Thống kê Việt Nam, đã phát biểu trực tiếp tại tọa đàm, giới thiệu về việc triển khai dự án, nhấn mạnh kết quả, khó khăn trong giai đoạn 1 và nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn thứ 2 của dự án.

Ngoài ra, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đưa ra phát biểu tại tọa đàm.

ILO chọn Việt Nam là đối tác thí điểm khảo sát chuỗi cung ứng việc làm ảnh 2Công nhân làm việc tại dây truyền sản xuất thiết bị điện tử của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn elstar Việt Nam. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu trực tuyến, chia sẻ nhận xét về kết quả và khó khăn, đề xuất hướng triển khai trong thời gian tới của dự án, nhất là về bộ câu hỏi khảo sát.

Tọa đàm quốc tế nêu trên diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế về Thống kê Lao động lần thứ 21 của ILO ở Geneva từ ngày 11-20/10/2023. Hội nghị này được tổ chức 5 năm/lần.

Thông qua hội nghị, các chuyên gia các nước về thống kê lao động có thể gặp gỡ, trao đổi những phương pháp, tiêu chuẩn trong thống kê lao động, qua đó thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu về việc làm thỏa đáng, phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả môi trường lao động.

Hội nghị năm nay có ý nghĩa lớn khi đánh dấu 100 năm kể từ năm 1923 khi Hội nghị lần đầu được tổ chức.

Nội dung thảo luận của Hội nghị ngoài các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực thống kê về lao động cũng bao gồm các vấn đề gắn với thực tiễn phát triển của kinh tế toàn cầu như thống kê trong bối cảnh dịch COVID-19, thống kê khu vực kinh tế không chính thức, thống kê lao động di cư, thống kê theo dõi việc thực hiện mục tiêu việc làm thỏa đáng và các mục tiêu phát triển bền vững.

Đoàn Việt Nam tham dự trực tiếp tại Tọa đàm và Hội nghị này gồm có đại diện Tổng Cục Thống kê thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Viện Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội.

Đoàn đã tích cực tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến trong các phiên họp của hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục