IMF đánh giá tích cực

IMF đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô của Việt Nam

IMF đánh giá kinh tế vĩ mô VN đang có dấu hiệu hồi phục, thị trường tài chính bình ổn trở lại nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước.
Cuối tháng 4/2013, Đoàn tham vấn kinh tế vĩ mô thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiến hành chuyến công tác tại Việt Nam.

Sau khi kết thúc chuyến công tác, IMF đã có những đánh giá khá tích cực về một số diễn biến kinh tế vĩ mô và điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua.

Cụ thể là kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu đang hồi phục từ mức đáy, chủ yếu nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Lạm phát đã giảm từ mức hai con số xuống khoảng 7% (so với cùng kỳ) vào tháng 3/2013.

Thông cáo báo chí của IMF cũng khẳng định thị trường tài chính đã bình ổn trở lại, nhờ nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc cung cấp thanh khoản và sáp nhập một số ngân hàng nhỏ, yếu kém.

Thặng dư cán cân vãng lai tăng lên hơn 9 tỷ USD trong năm 2012 một phần nhờ nhập khẩu thấp và hoạt động kinh tế yếu. Nhờ đó, tổng dự trữ quốc tế tính đến cuối tháng 2/2013 đã tăng lên hơn 2,5 tháng nhập khẩu dự kiến đối với hàng hóa và dịch vụ.

IMF nhấn mạnh rằng những thành tựu đã đạt được trong ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính trong năm 2012 đã cải thiện độ tín nhiệm của các thành viên tham gia thị trường đối với Ngân hàng Nhà nước.

Trong khi lạm phát nói chung đã giảm xuống, lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm cơ bản và năng lượng) vẫn còn ở mức cao, điều này đã hạn chế khả năng giảm lãi suất.

IMF cũng khuyến nghị Chính phủ để giữ vững các lợi ích từ ổn định kinh tế vĩ mô, rất cần duy trì vị thế chính sách hiện tại. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần duy trì vị thế chính sách tiền tệ hiện nay, và bắt đầu rút lại các biện pháp kích thích tài khóa.

Trong tương lai, những kết quả đạt được gần đây cần phải được củng cố thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp để tăng thêm dự trữ quốc tế và đệm ngân sách.

IMF rất ủng hộ việc các cơ quan chức năng Việt Nam đã bắt đầu các cải cách cấu trúc quan trọng trong khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Trong lần phỏng vấn gần đây với VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam), Trưởng Đoàn cán bộ IMF, ông Alfred Schipke cũng đã khẳng định trong hơn một năm qua, chính sách kinh tế của Việt Nam đã khá thành công trong việc tái lập sự ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này được thể hiện qua việc lạm phát giảm mạnh, mà nhờ đó củng cố niềm tin vào đồng nội tệ.

Chính điều này đã góp phần vào sự ổn định của thị trường ngoại hối và cho phép Ngân hàng Nhà nước tăng khả năng ứng phó với các ảnh hưởng từ bên ngoài bằng việc tăng dự trữ ngoại hối.

Những thành quả này rất quan trọng, song để giữ vững và củng cố được những thành quả đó, các nhà chức trách cần tránh vội nới lỏng các chính sách, và một điều khác cũng hết sức quan trọng là chính sách tài khóa cần phải tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực ổn định vĩ mô.

Về tiến trình cải cách khu vực ngân hàng, ông Schipke cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có những bước tiến để củng cố lĩnh vực này. Điều đó được phản ánh trong các đề xuất cải cách khu vực ngân hàng, sáp nhập các ngân hàng yếu, và các thảo luận gần đây về việc thành lập công ty quản lý tài sản để giải quyết các vấn nạn liên quan đến nợ xấu (NPL) của hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh là còn rất nhiều việc phải làm và quá trình này cần được đẩy nhanh hơn nữa. Ông Schipke nhấn mạnh bất cứ cải cách khu vực ngân hàng nào cũng không phải dễ dàng vì điều này đòi hỏi sự quyết tâm và cam kết từ tất cả các cấp.

Do một lượng nợ xấu lớn của khu vực ngân hàng là của các doanh nghiệp nhà nước, cải cách ngân hàng cần đi đôi với cải cách doanh nghiệp nhà nước. Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các Bộ, ngành hữu quan, và Văn phòng Chính phủ.

Ông Schipke cho rằng cũng rất quan trọng khi nhấn mạnh rằng sẽ cần có một chi phí nhất định để xử lý những thách thức này. Một điều nữa là sẽ phải có sự tổn thất và kinh nghiệm thế giới cũng chỉ ra rằng xử lý khu vực ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chắc sẽ dẫn đến một số chi phí tài khóa.

Đoàn công tác tháng 4/2013 của IMF cũng đã có đánh giá về thị trường vàng và công tác điều hành thị trường vàng tại Việt Nam. IMF cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp trên nhiều khía cạnh khác nhau để quản lý thị trường vàng, bao gồm việc loại bỏ vai trò trung gian tiền tệ của vàng để qua đó có thể điều hành chính sách tiền tệ tốt hơn qua tiền VND, giảm bớt biến động trong khu vực tài chính do tình trạng đầu cơ vàng.

Các biện pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước là bước đi quan trọng đầu tiên để tăng cường quản lý thị trường vàng (cấm ngân hàng thương mại cho vay dựa trên tài sản thế chấp bằng vàng) nhằm mục tiêu giảm bớt áp lực trên thị trường ngoại hối và rủi ro cho hệ thống ngân hàng như rủi ro về tín dụng, kỳ hạn, đồng tiền, thanh khoản.

IMF cho rằng nỗ lực của Chính phủ trong việc dừng việc các ngân hàng huy động vàng để cho vay và các hoạt động đầu cơ khác đã có hiệu quả.

Đoàn IMF ủng hộ các biện pháp cấm ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng là vì lợi ích của ổn định tài chính và không thấy trường hợp nào cần rút lại các biện pháp quản lý hành chính đã được thực hiện./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục