IMF: Kinh tế Trung Đông và Trung Á vẫn khả quan

Ngày 10/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra đánh giá: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Đông và Trung Á có thể giảm hơn một nửa trong năm nay, tuy nhiên tình hình các khu vực này vẫn khả quan hơn nhiều so với hầu hết các khu vực khác của thế giới nhờ các biện pháp can thiệp của chính phủ và kho dự trữ dầu mỏ dồi dào.

Ngày 10/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra đánh giá: Tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Đông và Trung Á có thể giảm hơn một nửa trong năm nay, tuy nhiên tình hình các khu vực này vẫn khả quan hơn nhiều so với hầu hết các khu vực khác của thế giới nhờ các biện pháp can thiệp của chính phủ và kho dự trữ dầu mỏ dồi dào.

Theo báo cáo trên, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình của 22 nước Trung Đông và Trung Á, khu vực chiếm tới 65% trữ lượng dầu mỏ và 45% trữ lượng khí đốt tự nhiên toàn cầu, trong năm nay sẽ giảm xuống còn 2,6% so với 5,7% của năm 2008.

Con số này thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 3,6% cũng do chính IMF đưa ra hồi tháng 2 đối với khu vực này.

Theo IMF, nếu tính riêng các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực, tăng trưởng GDP năm nay dự kiến sẽ giảm xuống còn 2,3% so với 5,4% của năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng của lĩnh vực dầu mỏ có thể giảm từ 2,4% năm ngoái xuống âm 3,5% trong năm nay, còn ở lĩnh vực phi dầu mỏ, chỉ số này dự kiến giảm từ 6,1% xuống còn 3,7%.

Nguyên nhân chính là do nguồn thu của các nước bị giảm mạnh trong bối cảnh giá dầu thô sụt giảm tới 60% so với đỉnh điểm 147 USD/thùng hồi giữa năm 2008.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng các nước không có nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ, như Ai Cập, Morrocco, Pakistan, đặc biệt dễ bị tác động bởi suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Masood Ahmed, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF, cả khu vực này vẫn có nhiều khả năng vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính hơn những khu vực khác của thế giới nhờ các biện pháp quản lý tài chính-kinh tế phù hợp cũng như năng lực tài chính mạnh của các nước xuất khẩu dầu mỏ được tích lũy trong suốt thời gian giá năng lượng tăng vọt.

Báo cáo cũng cho rằng bất chấp những thách thức kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia sản xuất dầu mỏ đã áp dụng hàng loạt biện pháp tăng lòng tin của giới đầu tư và kích thích tăng trưởng, đưa ra các "gói cứu trợ" bằng tiền mặt và bổ sung ngân sách hỗ trợ việc thực thi các chính sách bình ổn kinh tế đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục