IMF: Nền kinh tế Mỹ sẽ chỉ duy trì tăng trưởng yếu

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 20/9 cảnh báo kinh tế Mỹ có khả năng sẽ chỉ duy trì được mức tăng trưởng yếu trong nhiều năm tới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 20/9 cảnh báo kinh tế Mỹ có khả năng sẽ chỉ duy trì được mức tăng trưởng yếu trong nhiều năm tới và phục hồi hầu như không đáng kể trong bối cảnh những "trận gió ngược" vẫn "thổi không ngừng" và nền kinh tế cần có sự thúc đẩy mạnh mẽ từ chính phủ.

Thể chế tài chính này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong cả năm nay xuống mức 1,5%, thấp hơn nhiều so với dự báo đưa ra hồi tháng 6 là 2,5%, thậm chí còn thấp hơn cả mức tăng trưởng dự kiến đối với khu vực Eurozone đang oằn mình trong nợ nần. Dự báo cho năm 2012 được điều chỉnh xuống 1,8% so với dự báo 2,7% trước đó.

Chỉ ra những vấn đề mà nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt, trong đó sự sụt giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, khủng hoảng trong lĩnh vực nhà đất và tài chính, nợ công và thâm hụt ngân sách..., IMF khẳng định trong những năm tới, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng "với các mức trung bình thấp nhất trong lịch sử nước này."

Nhận định u ám trên của IMF rõ ràng làm thổi bùng lên nỗi lo ngại rằng Mỹ đang chuẩn bị bước vào "một thập kỷ mất mát" kiểu Nhật Bản, đặc biệt trong bối cảnh Nhà Trắng và Quốc hội vẫn đang tiếp tục đối đầu nhau trong nhiều vấn đề, trong đó có các cách thức làm sao để có thể cắt giảm được nợ công và kích thích kinh tế tăng trưởng.

Theo IMF, "ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mỹ là phải cam kết có được một chương trình nghị sự tài chính- chính trị đáng tin cậy, trong đó đặt nợ công vào một quỹ đạo ổn định trong trung hạn đồng thời hỗ trợ cho phục hồi trong ngắn hạn."

Cũng theo IMF, do Tổng thống Barack Obama và Đảng Cộng hòa vẫn còn đối đầu nhau về việc làm thế nào để giữ được ngân sách ổn định, ít nhất là trong trung hạn, thì nước Mỹ và cả kinh tế toàn cầu, đang rất cần một thỏa thuận chung và mạnh mẽ giữa hai bên. Một thỏa thuận có thể dẫn tới các chính sách tài khóa ngắn hạn đúng đắn, hiệu quả, và phù hợp hơn với thực tiễn. Chẳng hạn như, thông qua các giải pháp kích thích kinh tế tạm thời để hỗ trợ thị trường việc làm và nhà đất, hỗ trợ các chính quyền địa phương và trung ương và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng.

Nhận định kém tươi sáng nói trên của IMF về triển vọng kinh tế Mỹ cũng được các chuyên gia kinh tế độc lập đồng chia sẻ quan điểm.

Theo Jason Schenker của Prestige Economics, "trong một nền kinh tế mà tăng trưởng dựa tới khoảng 60% vào tiêu dùng như Mỹ thì niềm tin có thể là điều kiện cấu thành cần thiết nhất cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện thị trường việc làm. Nếu không có niềm tin và không có chi tiêu, giảm phát và suy thoái là những nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế đó."

Cũng trong ngày 20/9, Bộ Thương Mại Mỹ công bố báo cáo cho biết, thị trường nhà đất Mỹ trong tháng 8 đã suy giảm mạnh hơn dự kiến, ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng và gây thêm sức ép cho chính phủ trong động thái hỗ trợ nền kinh tế.

Theo bộ trên, trong tháng 8, lượng nhà xây dựng mới đã giảm 5%, mức giảm mạnh nhất từ tháng 4 đến nay, xuống còn 571.000 căn, thấp hơn so với dự báo là 590.000 căn và thấp hơn ít nhất là 1/3 so với thời hoàng kim của thị trường nhà đất Mỹ.

Nhà kinh tế trưởng Scott Brown của hãng Raymond James tại thành phố St. Petersburg (bang Florida) bình luận: "thị trường nhà đất sẽ không thể cải thiện cho đến khi thị trường lao động được cải thiện về cơ bản và có vẻ như tình hình này sẽ không diễn ra trng năm nay."

Cùng ngày 20/9, Ủy ban ngân sách Mỹ gồm 12 thành viên (6 thuộc Đảng Dân chủ và 6 thuộc Đảng Cộng hòa) đã nhóm họp để thảo luận về cách thức giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách.

Vào đầu tuần này (ngày 19/9) Tổng thống Obama đã đưa ra đề xuất cắt giảm thâm hụt ngân sách khoảng 3.000 tỷ USD bằng cách kết hợp tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Kế hoạch này đi kèm với lời cảnh báo từ ông Obama rằng ông sẽ phủ quyết tất cả mọi nỗ lực cắt giảm thâm hụt bằng cách cắt giảm chương trình chăm sóc y tế dành cho người lớn tuổi và không tăng thuế đánh vào người giàu và các doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, vào tuần trước, ông John Boehner, lãnh đạo Đảng Cộng hòa, đã khẳng định quan điểm dứt khoát của ông là: Không tăng thuế.

Hạn chót để Ủy ban hỗn hợp lưỡng đảng đưa ra kế hoạch cuối cùng trước khi trình Ủy ban Ngân sách Quốc hội thông qua kế hoạch cắt giảm ít nhất 1.200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới là vào ngày 23/11/2011.

Hiện đang tồn tại những chia rẽ và bất đồng quanh cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề trên, qua đó làm dấy lên những nghi ngại rằng liệu vấn đề có được giải quyết vào đúng hạn chót yêu cầu không.

Ngoài ra, cùng thời gian này, chính quyền của Tổng thống Obama một lần nữa lại đang phải đối mặt với nguy cơ bế tắc mới trong vấn đề ngân sách do bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội về khoản ngân sách hỗ trợ các bang phục hồi sau thảm họa bão Irene và các trận lụt xảy ra sau bão.

Các nghị sỹ Mỹ ngày 20/9 đã tuyên bố bế tắc mới này có thể dẫn tới việc chính phủ phải ngừng hoạt động nếu Quốc hội không đạt được một thỏa thuận vào cuối tài khóa hiện nay, kết thúc vào ngày 30/9 tới. Các nghị sỹ Cộng hòa nêu rõ bất cứ một khoản kinh phí mới nào dành cho việc này sẽ phải đổi bằng việc cắt giảm ngân sách trong các dịch vụ khác, và thậm chí có thể lạm vào ngân sách tài khóa 2012, bắt đầu từ ngày 1/10 tới./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục