Truyền thông Indonesia ngày 19/3 dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani cho rằng nước này chưa sẵn sàng cho biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, bởi điều này sẽ làm rối loạn hoạt động phân phối hàng hóa thiết yếu tới các khu vực nông thôn và đông dân cư.
Theo Bộ trưởng Sri Mulyani, mối quan ngại hàng đầu của giới chức Indonesia về khả năng áp đặt lệnh phong tỏa nằm ở chỗ thiếu hụt nguồn nhân lực chứ không phải là nguồn lực tài chính.
Trước đó, Tổng thống Joko Widodo cũng khẳng định việc áp đặt lệnh phong tỏa sẽ khó thực hiện tại Indonesia - quốc gia rộng lớn với 34 tỉnh và thành phố trải rộng trên các đảo lớn nhỏ. Tổng thống Widodo cho rằng điều quan trọng là người dân cần giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Indonesia Ma'ruf Amin ngày 19/3 thông báo nước này đã khởi động dự án nghiên cứu sản xuất vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 với sự tham gia của một số bộ, ban, ngành.
Phó Tổng thống Amin cho biết dự án trên được Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia (BRIN) triển khai, phối hợp với Bộ Y tế và các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có một số công ty dược phẩm.
Tuy nhiên, ông Amin cũng lưu ý người dân không nên mong đợi rằng vắcxin sẽ sớm được cung cấp do quá trình nghiên cứu sẽ mất rất nhiều thời gian.
Trong khi đó, Đại học Airlangga ở thành phố Surabaya cũng chuẩn bị đề xuất việc nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19. Hiệu trưởng trường Airlangga, ông Mohammad Nasih cho biết trường đã thu thập được 6 mẫu bệnh phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang xin phép chính quyền để tiến hành nghiên cứu.
Tính đến ngày19/3, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 309 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 25 ca tử vong. Thủ đô Jakarta là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chiếm tới 68% tổng số ca tử vong trên toàn quốc.
Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng và chính quyền kêu gọi người dân tránh tụ tập đông người, hàng nghìn người đã tập trung trên đảo Flores để tham gia lễ thụ chức của một giám mục Công giáo./.