Indonesia đẩy mạnh thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng

Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (EMR) Arifin Tasrif cho biết, tính đến cuối năm 2021, tỷ trọng năng lượng mới và tái tạo của Indonesia đã đạt 11,7%.
Indonesia đẩy mạnh thực hiện lộ trình chuyển đổi năng lượng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 16/2, tại buổi tiếp Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg và Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Manuela Ferro, giới chức Indonesia đã tái khẳng định cam kết thực thi lộ trình chuyển đổi năng lượng.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (EMR) Arifin Tasrif cho biết, tính đến cuối năm 2021, tỷ trọng năng lượng mới và tái tạo của Indonesia đã đạt 11,7% và Chính phủ Indonesia cam kết nâng tỷ trọng này lên 23% vào năm 2025.

Theo lộ trình, công suất phát điện bổ sung sau năm 2030 sẽ chỉ đến từ các nhà máy năng lượng mới và tái tạo. Bắt đầu từ năm 2035, Indonesia chủ yếu sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và năng lượng đại dương.

Hydro cũng sẽ được sử dụng dần từ năm 2031 và sử dụng đại trà vào năm 2051. Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ đưa năng lượng hạt nhân vào hệ thống phát điện bắt đầu từ năm 2049.

[Indonesia thúc đẩy thỏa thuận chuyển đổi năng lượng toàn cầu]

Trong nỗ lực nâng tỷ trọng năng lượng mới và tái tạo lên 23% vào năm 2023, EMR đã thông qua các quy định liên quan đến hệ thống điện mặt trời áp mái và đặt mục tiêu lắp đặt thêm 3,6 GW tấm pin mặt trời áp mái vào năm 2025.

Theo Bộ trưởng Tasrif, Indonesia có mức bức xạ mặt trời tối đa vì là quốc gia nhiệt đới, do vậy phù hợp cho các hệ thống điện mặt trời áp mái. Hơn nữa, Indonesia còn có tiềm năng sản xuất năng lượng gió, thủy điện và năng lượng đại dương.

Các nỗ lực khác nhằm đạt được các mục tiêu nói trên bao gồm xây dựng các nhà máy điện năng lượng tái tạo và mới với tổng công suất 10,6 GW, thay thế các nhà máy điện diesel bằng các nhà máy điện sạch, và sử dụng 11,6 triệu mét khối nhiên liệu sinh học.

Ngoài ra, Indonesia cũng sẽ xây dựng một siêu lưới điện nhằm tăng cường kết nối điện. Cụ thể, Chính phủ Indonesia sẽ cho xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối các đảo chính với mạng lưới truyền tải từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo mới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục