Indonesia đối mặt với tình trạng thiếu cán bộ quản lý

Indonesia đang đối mặt với sự thiếu hụt cán bộ quản lý do hệ thống giáo dục yếu kém và sự phát triển nhanh chóng của ngành dịch vụ.
Hãng tư vấn toàn cầu Boston Consulting Group (BCG) vừa công bố một báo cáo nghiên cứu trong đó cảnh báo rằng Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý trung cấp do hệ thống giáo dục-đào tạo yếu kém và sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực dịch vụ.

Theo ước tính của BCG, năm 2012 Indonesia thiếu khoảng 13% cán bộ quản lý trung cấp, và nếu không có những thay đổi đột phá thì tỷ lệ thiếu hụt này sẽ tăng lên 56% vảo năm 2020, cho dù các điều kiện và sự phát triển thuận lợi về mặt nhân khẩu học của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này.

BCG cho biết dân số Indonesia được dự báo sẽ tăng từ trên 240 triệu người hiện nay lên 268 triệu người vào năm 2020, song khi đó nước này cũng mới chỉ có khoảng 10 triệu cán bộ quản lý trung cấp đủ kỹ năng, so với nhu cầu là 15 triệu người.

Trong buổi họp báo mới đây giới thiệu về nghiên cứu nói trên tại Jakarta, Giám đốc điều hành BCG Dean Tong nhấn mạnh rằng mỗi một sự mở rộng hoạt động đều cần được đáp ứng tương ứng về mặt số lượng và chất lượng nhân lực, trong đó nhất là cán bộ quản lý.

Ông Dean Tong lưu ý rằng, ngoài cán bộ quản lý trung cấp, Indonesia còn phải đối mặt với sự thiếu hụt cán bộ quản lý cao cấp, từ mức tương đối cân bằng cung cầu năm 2011 lên thiếu hụt 6% vào năm 2020.

Về quản lý cấp cao, vấn đề không chỉ nằm ở số lượng, mà cả về chất lượng khi nhiều nhà quản lý Indonesia thiếu kinh nghiệm toàn cầu cần thiết.

Ngoài tình trạng thiếu hụt cán bộ quản lý có trình độ và kỹ năng, Indonesia còn đối mặt với sự gia tăng thiếu hụt đầu vào cho cấp quản lý, từ mức 5% năm 2011 lên 17% năm 2020, bởi yêu cầu về chất lượng đối với sinh viên tốt nghiệp trong tuyển chọn việc làm ngày một cao hơn và khắt khe hơn để có thể đáp ứng các đòi hỏi của nền kinh tế - dự kiến có khu vực dịch vụ sẽ mở rộng từ 36% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2010 lên 41% GDP vào năm 2015, cũng như tỷ trọng việc làm hành chính hay quản lý sẽ tăng từ 36% hiện nay lên 55% vào năm 2020.

Báo cáo nghiên cứu của BCG chỉ ra rằng Indonesia không đào tạo đủ số lượng sinh viên tốt nghiệp để đáp ứng nhu cầu, chưa kể đến số sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được về mặt chất lượng. Hơn nữa, gần 60% số sinh viên tốt nghiệp thay đổi công việc của họ trong vòng ba năm đầu tiên đi làm, và trên một phần ba thay đổi từ 2 lần trở lên.

Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Mandiri của Indonesia, phụ trách về chính sách và chiến lược phát triển,ông Alex Denni cho biết Mandiri - hiện có 30.000 nhân viên làm việc tại 1.800 chi nhánh - dự định sẽ trở thành ngân hàng lớn thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á vào năm 2014 và lớn thứ ba vào năm 2020, song mục tiêu này đang vấp phải thách thức rất lớn về nguồn nhân lực quản lý có trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm.

Người phát ngôn Yulian Warman của tập đoàn đồng hương Astra Group - hiện có 186.000 nhân viên trong 177 công ty, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ ô tô đến tài chính - cũng chia sẻ tình trạng khó khăn tương tự như Mandiri. /.

Việt Tú/Jakarta (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục