Lễ kỷ niệm 10 năm thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương đã được Indonesia tổ chức tại tỉnh miền Bắc Ache ngày 26/12, với sự tham dự của tân Tổng thống Joko Widodo, Đại sứ nhiều nước tại Indonesia, các đại diện đến từ 35 quốc gia cũng như nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Joko Widodo đã nhắc lại những kỷ niệm của sự kiện đau thuơng này khi cơn sóng thần khủng khiếp nhất trong lịch sử cận đại thế giới xảy ra ngày 26/12/2004, có cường độ lên tới 9,3 độ richte, đã cướp đi sinh mạng của trên 230.000 người và hàng trăm nghìn người mất tích ở 14 quốc gia Ấn Độ Dương, trong đó Indonesia chịu tổn thất lớn nhất với 126.741 người chết, 93.285 người mất tích và thiệt hại tài sản ước tính 4,5 tỷ USD.
Tổng thống Joko Widodo đánh giá cao sự hồi sinh mạnh mẽ và sức sống mãnh liệt của nguời dân Ache nói riêng và của Indonesia nói chung, đồng thời nhấn mạnh rằng với sự hỗ trợ to lớn, khoảng 8 tỷ USD của cộng đồng quốc tế , nhất là Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như nỗ lực phục hồi và tái thiết sau thảm họa sóng thần của Chính phủ Indonesia với khoản đầu tư lên tới 6,7 tỷ USD.
Ngoài ra, ông cũng đề cao thỏa thuận hòa bình giữa lực lượng ly khai ở Ache với Chính phủ Indonesia và và quy chế “quyền tự trị đặc biệt” mà Chính phủ Indonesia dành cho Ache sau khi thảm họa xảy ra.
Khu vực này đã hồi sinh một cách "thần kỳ" và mạnh mẽ với việc xây dựng lại 20.000 ngôi nhà đạt tiêu chuẩn chống động đất, 3.850 km đường quốc lộ, giao thông, 1.600 km thủy lợi, 677 trường học, 500 hội trường thị trấn, 72 trạm y tế, 8.000 giếng nước sạch, hơn 1.200 khu vệ sinh, nhiều khách sạn và sân bay hiện đại.
Về phần mình, Thống đốc Ache Zaini Abdullah nêu rõ sự thay đổi to lớn của Ache khi cuộc sống bất ổn hàng chục năm do nội chiến tại đây đã chuyển thành vận hội mới và cuộc sống mới hòa bình, hạnh phúc, quyền tự trị cao và quyền bầu cử tự do của gần 5 triệu nguời dân Ache sau thảm họa sóng thần.
Ông Zaini Abdullah nhấn mạnh rằng cơn sóng thần Ấn Độ Dương đã chỉ ra bài học lớn nhất là những tác động thường xuyên hơn với cường độ lớn hơn của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra, đòi hỏi mỗi người phải có cái nhìn mới, nhận thức mới, ứng xử mới về cuộc sống cũng như các hành động của mình để bảo vệ môi trường sống và sự tồn tại của chính mình, cũng như sự hợp tác trong nước và quốc tế để đối phó với các thách thức chung mang tính toàn cầu./.