Chính phủ Israel ngày 20/6 thông báo nới lỏng phong tỏa trên bộ đối với Dải Gaza, theo đó cho phép đưa vào vùng lãnh thổ thuộc Palestine này tất cả các hàng hóa dân sự, song sẽ tiếp tục phong tỏa đường biển.
Sau cuộc họp nội các an ninh, Văn phòng Thủ tướng Israel ra tuyên bố nêu rõ các động thái nới lỏng Dải Gaza, bao gồm tạo điều kiện cho người dân ra vào Gaza và mở rộng lượng hàng dân sự chuyển vào vùng lãnh thổ này, trong đó có vật liệu xây dựng phục vụ các dự án dân sự có sự giám sát quốc tế.
Tuy nhiên, các loại vũ khí và các nguyên vật liệu bị cho là có thể sử dụng cho các mục đích quân sự sẽ vẫn bị cấm. Israel cũng không nới lỏng lệnh phong tỏa đường biển vào Gaza bất chấp lời kêu gọi của quốc tế sau vụ tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ cho Gaza hôm 31/5 vừa qua làm gần 20 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương.
Một nguồn tin giấu tên cho biết sau khi có quyết định nới lỏng phong tỏa, cửa khẩu Kerem Shalom phục vụ chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza sẽ tăng 30% công suất hoạt động từ ngày 21/6, cho phép khoảng 130 chuyến xe chở hàng vào Gaza mỗi ngày.
Quyết định trên được đưa ra ít ngày sau khi Nội các Israel nhất trí về kế hoạch nới lỏng phong tỏa Gaza trong bối cảnh cộng đồng quốc tế hối thúc Israel chấm dứt gần 4 năm bao vây vùng lãnh thổ thuộc Palestine này.
Mỹ đã hoan nghênh động thái trên của Tel Aviv. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs bày tỏ tin tưởng rằng việc thực hiện chính sách mới này sẽ giúp cải thiện điều kiện sống của người dân Gaza.
Theo ông Gibbs, Mỹ cũng sẽ phối hợp với Israel, Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) và các đối tác quốc tế nhằm tìm các cách thức mới cải thiện tình hình ở Gaza, trong đó có tăng cường tự do qua lại và buôn bán giữa Gaza và Bờ Tây.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6/7 tới tại Washington để thảo luận các bước tiếp theo và đảm bảo chính sách mới này được thực hiện "nhanh chóng và hiệu quả nhất."
Cùng ngày, đặc phái viên của nhóm Bộ Tứ về Trung Đông, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng hoan nghênh quyết định của Israel nới lỏng phong tỏa.
Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đánh giá quyết định của Israel là một sự cải thiện quan trọng và một bước tiến tích cực.
Ngoại trưởng Anh William Hague cũng hoan nghênh đây là một bước đi đúng hướng, đồng thời kêu gọi tiến hành các thay đổi nhanh chóng nhằm khôi phục nền kinh tế Gaza, đồng thời đảm bảo an ninh của Israel.
Trong khi đó, nhiều người Palestine ngày 20/6 đã biểu tình trước cửa khẩu thương mại Karni ở biên giới giữa Israel và Gaza, kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Tel Aviv dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa Gaza và mở tất cả các cửa khẩu./.
Sau cuộc họp nội các an ninh, Văn phòng Thủ tướng Israel ra tuyên bố nêu rõ các động thái nới lỏng Dải Gaza, bao gồm tạo điều kiện cho người dân ra vào Gaza và mở rộng lượng hàng dân sự chuyển vào vùng lãnh thổ này, trong đó có vật liệu xây dựng phục vụ các dự án dân sự có sự giám sát quốc tế.
Tuy nhiên, các loại vũ khí và các nguyên vật liệu bị cho là có thể sử dụng cho các mục đích quân sự sẽ vẫn bị cấm. Israel cũng không nới lỏng lệnh phong tỏa đường biển vào Gaza bất chấp lời kêu gọi của quốc tế sau vụ tấn công đoàn tàu chở hàng cứu trợ cho Gaza hôm 31/5 vừa qua làm gần 20 người thiệt mạng và khoảng 50 người bị thương.
Một nguồn tin giấu tên cho biết sau khi có quyết định nới lỏng phong tỏa, cửa khẩu Kerem Shalom phục vụ chuyển hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza sẽ tăng 30% công suất hoạt động từ ngày 21/6, cho phép khoảng 130 chuyến xe chở hàng vào Gaza mỗi ngày.
Quyết định trên được đưa ra ít ngày sau khi Nội các Israel nhất trí về kế hoạch nới lỏng phong tỏa Gaza trong bối cảnh cộng đồng quốc tế hối thúc Israel chấm dứt gần 4 năm bao vây vùng lãnh thổ thuộc Palestine này.
Mỹ đã hoan nghênh động thái trên của Tel Aviv. Người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs bày tỏ tin tưởng rằng việc thực hiện chính sách mới này sẽ giúp cải thiện điều kiện sống của người dân Gaza.
Theo ông Gibbs, Mỹ cũng sẽ phối hợp với Israel, Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) và các đối tác quốc tế nhằm tìm các cách thức mới cải thiện tình hình ở Gaza, trong đó có tăng cường tự do qua lại và buôn bán giữa Gaza và Bờ Tây.
Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6/7 tới tại Washington để thảo luận các bước tiếp theo và đảm bảo chính sách mới này được thực hiện "nhanh chóng và hiệu quả nhất."
Cùng ngày, đặc phái viên của nhóm Bộ Tứ về Trung Đông, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cũng hoan nghênh quyết định của Israel nới lỏng phong tỏa.
Đại diện cấp cao về an ninh và chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đánh giá quyết định của Israel là một sự cải thiện quan trọng và một bước tiến tích cực.
Ngoại trưởng Anh William Hague cũng hoan nghênh đây là một bước đi đúng hướng, đồng thời kêu gọi tiến hành các thay đổi nhanh chóng nhằm khôi phục nền kinh tế Gaza, đồng thời đảm bảo an ninh của Israel.
Trong khi đó, nhiều người Palestine ngày 20/6 đã biểu tình trước cửa khẩu thương mại Karni ở biên giới giữa Israel và Gaza, kêu gọi cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Tel Aviv dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa Gaza và mở tất cả các cửa khẩu./.
(TTXVN/Vietnam+)