Đã có hàng nghìn những phân tích về nụ cười bí ẩn và ánh mắt của nàng Mona Lisa trong bức tranh của Leonardo da Vinci trên cả góc độ nghệ thuật, cả khoa học và tâm lý học...để rồi bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn, vẫn đẹp, sâu thăm thẳm và mơ hồ vĩnh viễn.
Tôi tin rằng nếu như có thêm một triệu công trình nghiên cứu, phân tích nữa, cả triệu bài viết nữa, câu chuyện vẫn chẳng đi đến đâu cả. Càng nhìn nàng La Gioconda người ta lại càng bị lịm vào những hình ảnh xa xôi, những liên tưởng không rõ ràng và trở thành một nỗi ảm ảnh không bao giờ quên.
Khi Andrea Pirlo bỏ bóng từ quả phạt góc ở phút 35, mang theo sự tẽn tò của Daniel Sturridge để Marchissio chỉnh bóng rồi sút tung lưới đội tuyển Anh trong trận đấu được chờ nhất ở bảng D World Cup 2014. Camera tất nhiên sẽ không hướng ống kính về phía Pirlo mà hướng về tác giả của pha làm bàn tuyệt đẹp cùng những hình ảnh ăn mừng của những người Italy. Thế nhưng trong khoảng 1 giây gương mặt của Pirlo hiện lên trên màn hình. Người đội trưởng của Azzurri không cười, ánh mắt không buồn, chẳng láu lỉnh và cũng không có một chút nào sự tự mãn của kẻ vừa đánh lừa được đối thủ. Nó nhàn nhạt không ấn tượng nếu nhìn thoảng qua, nhưng lại thẳm sâu, vời vợi như thể đang mang một nỗi buồn mênh mang...
Nhưng cũng chỉ sau đó 2 phút, người đã bị Pirlo đánh lừa đã đòi lại được những gì tuyển Anh đã mất như một sự hợp lý của qui luật vay trả. Người Italy đã không trách cứ nhau, không tỏ ra thất vọng, không buồn bã thái quá, và vẫn là những ánh mắt xa xăm...
Italy lại chơi bóng chậm rãi, thoảng qua như thể vật vờ mệt mỏi nhưng lại tiềm ẩn sự đe dọa hiểm nguy. Người Italy lại toan tính? Và Candreva sau khi nhận đường chuyền của Darmian đã lại có một tình huống xử lý chẳng hề thật thà. Tiền vệ của Lazio quặt bóng lại, vừa đủ để biến Leighton Baines trở thành nạn nhân thứ hai, vừa đủ để Mario Balotelli kịp di chuyển xuống, 2-1 cho Italy và những người Anh lại đau đầu tự vấn sao mà họ dễ bị đánh lừa thế?
Còn người ghi bàn, anh chẳng phải là một người có dòng máu Italy, nhưng cái cách ăn mừng, ánh mắt nhìn lại rất Mona Lisa, lại là sự lạnh lùng như thể hững hờ vô cảm. Các cầu thủ Italy ôm nhau ăn mừng, người tạt bóng Candreva và đội trưởng Pirlo ôm vai nhau chạy đến sau cùng, nói vài câu gì đó nhưng rất lạ là không ai cười cả...Vẫn là những ánh mắt ấy và người Italy lại đã bắt đầu toan tính ngay cả khi niềm vui chưa kịp hết.
Một chiến thắng vừa đủ, không quá rực rỡ, không mất quá nhiều sức với một tiết tấu chơi bóng cực kỳ hợp lý và không lộ bài cho một hành trình dài. Và có lẽ với các cầu thủ Anh nó vẫn có điều gì đó không rõ ràng, xa xăm, khó nắm bắt và bí ẩn, như ánh mắt những người Italy, như câu kết của bình luận viên kênh BBC: "Italy thắng Anh 2-1 trong rừng già Amazon." Thật sâu sắc và ẩn ý khi ông không nói tên sân là Amazonia, cũng không nói tên thành phố Manaus.
Italy thắng thế là đủ, chặng đường còn dài, tuyển Anh chỉ là một trong những cột mốc phải vượt qua trong một hành trình vừa thú vị vừa đẹp đẽ nhưng cũng đầy gian nan. Chẳng ai dám khẳng định ngay bây giờ là đội quân Thiên thanh sẽ vào vòng trong, sẽ đi sâu hay có thể sẽ có được bằng số lần đoạt Cúp Vàng với người Brazil. Vậy thì "bí ẩn" phải chăng là hình thái hợp lý nhất của cách biểu hiện niềm vui chăng?
Nó không giống với những gì người Hà Lan đã làm khi họ thắng đương kim vô địch Tây Ban Nha đến 5-1 và ăn mừng như thể vừa đoạt cúp. Gần như tất cả những gì tinh túy nhất đã được thể hiện, sẽ khiến đối thủ buộc phải nghiên cứu và dè chừng. Vậy là lộ bài, và quan trọng là trong một tiến trình của sự vận động: Nếu đã tốt nhất rồi thì liệu có tốt hơn nữa được không?./.