Italy lại vừa cứu gần 2.000 người nhập cư trái phép từ Bắc Phi

Các lực lượng cứu hộ trên biển Địa Trung Hải của Italy đã cứu được 1.700 người nhập cư trái phép bằng đường biển từ Bắc Phi trong ngày 3/10.
Italy lại vừa cứu gần 2.000 người nhập cư trái phép từ Bắc Phi ảnh 1Những người nhập cư trái phép vừa được giải cứu trên biển Địa Trung Hải ngày 3/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nguồn tin Hải quân Italy cho hay, các lực lượng cứu hộ trên biển Địa Trung Hải của nước này đã cứu được 1.700 người nhập cư trái phép bằng đường biển từ Bắc Phi trong ngày 3/10.

Trong đêm 3/10, Hải quân Italy đã phát hiện các thuyền chở hơn 400 người nhập cư lênh đênh trên biển gần đảo Sicily của nước này và vớt lên. Trước đó, các thuyền chở 1.300 người nhập cư khác đã cập các cảng Pozzalo và Vibo, phía đông nam của đảo Sicily.

Theo đại diện Hải quân Italy, hầu hết những người này đến từ Libya, Eritrea, Liban và Syria, xuất phát từ các cảng ở Lybia, nơi gần Italy nhất, và đã di chuyển nhiều ngày trên biển.

Trong ngày 2/10, Hải quân Italy đã bắt 16 đối tượng tình nghi buôn người qua Địa Trung Hải trong một chiến dịch phối hợp với cảnh sát nước này để triệt phá các đường dây tổ chức đưa người nhập cư trên biển sang Italy trên các con thuyền cũ kỹ và có nguy cơ chìm rất cao.

Gần 2.000 người nhập cư này đến Italy trong một làn sóng nhập cư trái phép mới bằng đường biển bùng lên trong thời gian vừa tròn một năm ngày xảy ra thảm họa đắm thuyền khiến hơn 400 người nhập cư chết trên biển Địa Trung Hải hồi tháng 10/2013. Sau thảm họa đó, Italy đã tiến hành chiến dịch "Mare Nostrum" (Biển của chúng ta) nhằm tìm cứu những người nhập cư châu Phi tìm đường đến châu Âu qua đường biển. Gần 100.000 người đã được cứu nhờ chiến dịch này.

Tuy nhiên, nhiều mâu thuẫn đã xảy ra giữa Italy và Liên minh châu Âu (EU) xung quanh vấn đề trách nhiệm hỗ trợ và nguồn vốn tài chính cho việc cứu trợ người nhập cư. Chính phủ Italy cho rằng, việc cứu trợ người nhập cư trái phép trên biển để tránh các thảm họa như năm ngoái cũng là trách nhiệm của EU, trong khi EU khẳng định rằng, cơ quan về biên giới của khối (Frontex) không thể cung ứng nguồn tài chính và chỉ có thể chia sẻ một phần công việc tuần tra cùng Italy./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục