Ngày 19/5, tại khoảng gần 1.000 địa điểm trên khắp cả nước Italy, đảng Liên đoàn và đảng Phong trào 5 Sao (M5S) đã tiến hành thăm dò ý kiến về nội dung bản thoản thuận giữa hai đảng để thành lập một liên minh cầm quyền.
Lãnh đạo của M5S Luigi Di Maio khẳng định đây là thời điểm để đảng Liên đoàn và M5S công bố cho người dân Italy biết nội dung thỏa thuận đã đạt được, và hai bên đã tháo gỡ được nút thắt đầu tiên để đi đến thành lập một chính phủ mới.
Ông Luigi Di Maio cũng nhấn mạnh rằng danh tính của vị thủ tướng tương lai chưa được xác định nhưng "chắc chắn đó sẽ là một người bạn của nhân dân."
[Italy: M5S và đảng Liên đoàn ký thỏa thuận lập chính phủ liên minh]
Tất cả mọi người dân đều có thể nêu ý kiến về thỏa thuận trên và việc lấy ý kiến sẽ tiếp tục trong ngày 20/5. Sau đó, văn kiện thỏa thuận sẽ được trình lên Tổng thống Sergio Mattarella.
Trước đó, ngày 18/5 vừa qua, đảng Liên đoàn và M5S đã ký một thỏa thuận để thành lập một liên minh cầm quyền, trong đó cam kết tăng chi tiêu ngân sách và phản đối các hạn chế về ngân sách của Liên minh châu Âu (EU), song cũng bỏ bớt những đề xuất cực đoan nhất khỏi thỏa thuận.
Bản thỏa thuận 58 trang này đề ra mục tiêu giảm nợ công mà không thông qua các biện pháp tăng thuế hay siết chặt chi tiêu mà bằng cách tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bằng cách tăng nhu cầu trong nước.
Văn kiện cũng bao gồm kế hoạch bảo đảm hiệu quả các khoản nợ của chính phủ với các công ty và cá nhân, tạo ra các loại trái phiếu ngắn hạn, có thể dùng để mua bán.
Ngoài ra, thỏa thuận này được ký kết sau hai tháng bế tắc chính trị, kêu gọi giảm thuế hàng tỷ euro, chi thêm trợ cấp cho người nghèo và rút lại cải cách tiền lương hưu.
Bản thỏa thuận cuối cùng này cũng kêu gọi xem xét lại các quy định quản lý và tài chính của EU, song cũng đảm bảo với các nhà đầu tư rằng cương lĩnh của chính phủ sẽ không bao gồm bất kỳ kế hoạch nào liên quan đến việc rời khỏi Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Theo các nhà phân tích, thỏa thuận cuối cùng này có thể gây ra những thách thức trực tiếp nhất đối với các quy định tài chính của EU. Đây được xem là thách thức chính trị lớn nhất sau việc cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ ra khỏi "mái nhà chung" hai năm trước./.