JICA giúp tăng năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm nông thủy sản

Cần Thơ đã hoàn tất việc tập huấn xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về giám sát thí điểm an toàn thực phẩm nông thủy sản - một phần trong dự án do JICA tài trợ.
JICA giúp tăng năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm nông thủy sản ảnh 1Chế biến thủy sản xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ngày 24/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện “Dự án tăng cường năng lực hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm nông thủy sản” (SCIESAF) tại địa phương từ năm 2012 đến nay.

Kinh phí thực hiện dự án tại Cần Thơ là một phần trong 4,66 triệu USD do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ cho Việt Nam cộng với 450.000 USD do phía Việt Nam đóng góp để thực hiện dự án nói trên trong cả nước từ tháng 12/2011-11/2014.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, cho biết địa phương đã hoàn tất việc tập huấn xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về giám sát thí điểm an toàn thực phẩm nông thủy sản. Cán bộ chuyên môn tại địa phương được chuyển giao phương thức điều hành chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm nông thủy sản, đã lấy mẫu nông thủy sản kiểm định tại 68 cơ sở sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Qua kiểm nghiệm, 62 cơ sở chấp hành tốt quy định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp giấy chứng nhận đồng thời hướng dẫn sáu cơ sở khắc phục thiếu sót.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) kiêm Trưởng ban quản lý dự án SCIESAF, đơn vị đã triển khai xây dựng quy trình phân tích chuẩn, xác định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhóm hai, quy trình phân tích chuẩn, xác định đa dư lượng thuốc kháng sinh thú y nhóm hai theo phương pháp của Nhật Bản cho hệ thống các phòng kiểm nghiệm thuộc Cục quản lý.

Bên cạnh đó, hoạt động lấy mẫu giám sát trong chương trình giám sát thí điểm an toàn thực phẩm nông thủy sản tại hai địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ đã hoàn tất. Chín khóa đào tạo cho cán bộ Việt Nam tại Nhật Bản đã thực hiện. Công tác đánh giá kết quả thực hiện chương trình giám sát thí điểm an toàn thực phẩm nông thủy sản tại Việt Nam và xây dựng các chương trình giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản quốc gia kết thúc.

Từ nay đến tháng 10/2014, Cục sẽ đưa thêm đoàn cán bộ Việt Nam sang Nhật Bản thực tập về quản lý hệ thống phòng kiểm nghiệm. Đơn vị tổ chức ba khóa đào tạo tại chỗ cho cán bộ Việt Nam về phân tích chỉ tiêu kim loại nặng, quản lý phòng kiểm nghiệm, phương pháp phân tích dư lượng thuốc kháng sinh thú y; đồng thời, năm quy trình phân tích chuẩn về các phương pháp phân tích, một quy trình về phương pháp lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản sẽ được ban hành.

Mục tiêu của dự án SCIESAF là giúp bổ sung trang thiết bị hiện đại cho cục, đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ Việt Nam về phân tích, kiểm nghiệm, quản lý phòng thí nghiệm, kiểm tra an toàn thực phẩm nông thủy sản. Bên cạnh đó, dự án hướng tới việc giúp xây dựng chương trình giám sát quốc gia về an toàn thực phẩm nông thủy sản; góp phần cải thiện và bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng trong nước cũng như tăng sức cạnh tranh của mặt hàng nông thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục