Giáng Sinh đối với mọi người là mùa của tình yêu thương đong đầy, mùa của những món quà trao tay và mùa reo vui của những bản thánh ca ngân vang tại các lễ đường.
Nhưng trong tâm tưởng của người yêu The Beatles và John Lennon, họ sẽ không thể nào quên được ký ức mùa Noel đau buồn 36 năm về trước.
“Khi âm nhạc chết đi”
Đó là lời tựa trên bìa cover tạp chí Time ra ngày 22/12/1980, hai ngày trước lễ Noel. Sự ra đi của John Lennon là tin sốc với hàng triệu fan hâm mộ khắp thế giới. Hoa hồng, ánh nến và nhiều tấm thiệp mừng tràn ngập trước căn hộ Dakota, phía đông Manhattan, New York như lời chào vĩnh biệt của họ đến với người nghệ sỹ tài hoa cùng gọng kính tròn đã làm nên biểu tượng của Tình Yêu và Hòa Bình.
Ngày 8/12/1980, 4 phát đạn từ khẩu súng P. 38 của một gã tâm thần mang tên Mark Chapman đã cướp đi John Lennon, chàng trai quan trọng nhất của “Tứ Quái,” người nghệ sỹ có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong nền âm nhạc thế giới và cũng là sứ giả hòa bình.
John từng lý giải rằng "Hạnh phúc như một khẩu súng ấm khi nó đã... bóp cò." Oái oăm thay, biểu tượng của hòa bình lại nằm xuống bởi họng súng lạnh lùng. Nghiệt ngã hơn khi chính hung thủ ám sát John vài giờ trước đó được anh ký tặng album.
Khẩu súng đã bắn chìm nghỉm chiếc tàu ngầm vàng. Chiếc tàu ngầm mà trong đó John là thuyền trưởng có nhiệm vụ đưa 3 thành viên còn lại đến nơi có trời và biển xanh trong, một nơi chỉ hiện hữu tình bằng hữu giữa anh và tôi. Giờ đây vị thuyền trưởng đó không còn nữa, nhưng không vì vậy chuyến hành trình tìm miền đất hứa phải dừng lại.
Khi còn sống John là con người yêu hòa bình, căm ghét chiến tranh. Đa số các sáng tác của anh, thời gian anh tách ra khỏi nhóm và hoạt động độc lập đều mang tinh thần phản chiến, kêu gọi hòa bình, đoàn kết mọi người với nhau. “Imagine - Hãy tưởng tượng,” một khúc ca đẹp, thơ mộng về thế giới đại đồng không địa ngục, không thiên đường, “Chỉ có bầu trời…”
Ca khúc cũng phản chiếu rõ rệt nhất con người bên trong John “Bạn có thể nói tôi là một con người mộng mơ. Nhưng tôi không là người duy nhất. Tôi hy vọng ngày nào đó bạn sẽ cùng đi với tôi… Và thế giới này là một.”
Từ ngày John mất, thế giới chưa một ngày yên ổn. Ta vẫn nghe thấy đều đặn tiếng bom rơi, tiếng người than khóc ở các nước Trung Đông xa xôi.
Vụ khủng bố kinh hoàng cướp đi hàng trăm người ngay tại lòng Paris năm 2015, ngỡ rằng đã làm sụp đổ biểu tượng của Tình Yêu. Ngay tại nơi đó, âm nhạc hòa bình của John lại vang lên thánh thót từ chiếc dương cầm của một nghệ sỹ đường phố. Nỗi đau mất mát như được xoa dịu phần nào.
Tình yêu cho một nửa bầu trời còn lại
Với một gã thiên tài có nội tâm phức tạp như John Lennon thì chỉ có một người duy nhất làm anh thay đổi suy nghĩ. Đó là người phụ nữ hơn anh 13 tuổi, người vợ thứ 2 của anh, Yoko Ono.
John và Yoko gặp nhau vào một ngày mùa thu Luân Đôn năm 1966. Khi ấy, Yoko đang tất bật chuẩn bị cho buổi triển lãm nghệ thuật của mình diễn ra vào ngày hôm sau. Nhận lời mời từ người bạn của mình, John Dunbar, thủ lĩnh The Beatles đến tham quan khu triển lãm.
Thấy không có gì đặc biệt, John tỏ ra thất vọng và định rời khỏi đó. Nhưng anh chợt khựng lại vì hình ảnh người phụ nữ đang trèo lên chiếc thang chỉnh sửa vài chi tiết nhỏ, nhỏ đến nỗi người phụ nữ đó phải cần đến kính lúp mới thấy được.
John đứng chờ Yoko làm xong việc và hỏi liệu cô có muốn tô vẽ bất cứ cái gì lên những ngón tay của anh không? Yoko trả lời nếu John đồng ý trả 5 đồng siling cho mỗi ngón tay, John không đồng ý cho cái giá đó, hai người tiếp tục trêu đùa nhau.“Và đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau,” Lennon chia sẻ trên tạp chí Playboy không lâu sau khi anh qua đời năm 1980.
Cả hai đều yêu thích âm nhạc dân gian của nhiều nước khác nhau, từ dân ca Ấn Độ, bài ca du mục Gypsy cho đến những giai điệu mạnh mẽ vùng Trung Đông. Tư tưởng của John trong sáng tác cũng thay đổi kể từ khi anh gặp Yoko. Vẫn chuộng sự giản đơn, mộc mạc trong hòa âm lẫn lời ca nhưng người nghe sẽ cảm thấy tính nữ quyền, tư tưởng thiền cùng tinh thần đấu tranh hòa bình hòa lẫn trong đó.
Yoko luôn đồng hành với John mọi lúc mọi nơi, trong các clip được quay ở những chốn riêng tư như phòng ngủ đến những nơi công cộng như ngoài đường phố, một điều trước kia người ta thấy John hiếm khi làm cùng người vợ cũ, Cynthia Lennon.
HAPPY XMAS (War Is Over) - JOHN & YOKO THE PLASTIC ONO BAND with The Harlem Community Choir
Đáp lại John cũng sáng tác nhiều ca khúc dành riêng cho Yoko. Tình yêu của John được thể hiện qua “Woman,” bản tình ca đẹp nhất được John chấp bút. Không chỉ viết cho Yoko mà bài hát còn viết cho “mẹ của bạn, chị gái của bạn, hoặc bất kỳ người phụ nữ nào.”
Chính vì thế mà ngay đoạn đầu bài hát là tiếng thân gởi của John “Cho một nửa bầu trời còn lại.” Bài hát được phát hành sau khi John qua đời như thay cho lời bộc bạch cuối cùng của John đến người vợ Yoko và một nửa thế giới trước kia đã từng “phát cuồng” vì anh và ban nhạc The Beatles.
36 năm, quãng thời gian John lìa xa thế giới, hòa bình vẫn chưa có cơ hội để lấn át tiếng đạn bom. Mặc dù vậy, ta hãy cứ tin rằng không có điều gì ta không thể làm được. Chỉ cần ta có tình yêu, như lời thông điệp tuyệt vời của bài hát "All you need is love."
Xin kết một vòng hoa thân gởi đến John Lennon. "Giáng Sinh An Lành! Chiến tranh sẽ kết thúc. Nếu bạn muốn điều đó."