Trong đêm nhạc từ thiện “Keep the dream alive” diễn ra tối 14/7 vừa qua tại Hà Nội, khán giả không chỉ được thưởng thức những bản nhạc du dương mà còn được nghe những em nhỏ kể những câu chuyện xúc động vươn lên trong cuộc sống bằng nghị lực, bằng tình người của chính các em. Với sự ủng hộ của hàng trăm lượt khách đến tham dự, chương trình không tìm thấy nổi một chỗ trống. Cả không gian hòa chung vào những lời ca, điệu nhạc dành tặng cho các em và khán giả. Mục đích của đêm nhạc lần này là gây quỹ duy trì hoạt động cho dự án “Hãy là nhà bảo trợ” (Be a Guardian - BAG) – một trong những dự án lớn hỗ trợ cho trẻ em do Quỹ từ thiện Gentle Fund Organization (gọi tắt là GFO) tổ chức.
Nâng bước những ước mơ Từng là thành viên được bảo trợ, em Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1993, ở Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, đã có quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời. Bồi hồi chia sẻ, Hoài Nam nói: "Nhà em vốn đã chẳng khá giả, bố em là công nhân xí nghiệp đường sắt đột nhiên nghỉ hưu sớm về không lương. Mẹ đi làm thuê cho các cửa hàng may và lo nội trợ gia đình, đồng ra đồng vào chỉ tằn tiện đủ ăn. Bố em phải lăn lộn với nghề thợ nề để lo cho hai anh em đi học." Gồng gánh chi phí cho cả gia đình gồm sáu người, tưởng chừng con đường học tập của em chỉ dừng ở việc học hết cấp hai khi em còn đứa em trai mới chập chững bước vào cấp một. Thương gia cảnh của em, cô giáo chủ nhiệm đã giới thiệu em đến với gia đình GFO, nhờ đó em đã có thêm cơ hội để tiếp tục đến trường. "Suốt từ năm lớp 9 cho đến hết năm lớp 12, mỗi tháng, nhận được khoản tiền hỗ trợ 300.000 đồng từ GFO (sau này là 500.000 đồng/tháng), em dành hết vào việc học tập, ôn thi vào cấp ba rồi học thêm để tiếp tục vào đại học. Khoản hỗ trợ tuy không lớn về mặt vật chất nhưng lại động viên tinh thần em rất nhiều khi bớt được gánh lo cho bố mẹ. Em nghĩ đó là một sự may mắn thần kỳ đối với cuộc đời em," Hoài Nam xúc động. Với nghị lực của mình, Hoài Nam nay đã là sinh viên năm thứ hai của trường đại học Bách Khoa và cậu dự kiến sẽ thi vào khoa Vật liệu trong năm tới. Quay trở lại hỗ trợ các hoạt động tình nguyện của GFO tại Hà Nội ngay tại đêm nhạc, chàng kỹ sư tương lai muốn đóng góp sức mình giúp những em nhỏ đồng cảnh ngộ mong sao các em được đi học.
Nâng bước những ước mơ Từng là thành viên được bảo trợ, em Nguyễn Hoài Nam, sinh năm 1993, ở Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội, đã có quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời. Bồi hồi chia sẻ, Hoài Nam nói: "Nhà em vốn đã chẳng khá giả, bố em là công nhân xí nghiệp đường sắt đột nhiên nghỉ hưu sớm về không lương. Mẹ đi làm thuê cho các cửa hàng may và lo nội trợ gia đình, đồng ra đồng vào chỉ tằn tiện đủ ăn. Bố em phải lăn lộn với nghề thợ nề để lo cho hai anh em đi học." Gồng gánh chi phí cho cả gia đình gồm sáu người, tưởng chừng con đường học tập của em chỉ dừng ở việc học hết cấp hai khi em còn đứa em trai mới chập chững bước vào cấp một. Thương gia cảnh của em, cô giáo chủ nhiệm đã giới thiệu em đến với gia đình GFO, nhờ đó em đã có thêm cơ hội để tiếp tục đến trường. "Suốt từ năm lớp 9 cho đến hết năm lớp 12, mỗi tháng, nhận được khoản tiền hỗ trợ 300.000 đồng từ GFO (sau này là 500.000 đồng/tháng), em dành hết vào việc học tập, ôn thi vào cấp ba rồi học thêm để tiếp tục vào đại học. Khoản hỗ trợ tuy không lớn về mặt vật chất nhưng lại động viên tinh thần em rất nhiều khi bớt được gánh lo cho bố mẹ. Em nghĩ đó là một sự may mắn thần kỳ đối với cuộc đời em," Hoài Nam xúc động. Với nghị lực của mình, Hoài Nam nay đã là sinh viên năm thứ hai của trường đại học Bách Khoa và cậu dự kiến sẽ thi vào khoa Vật liệu trong năm tới. Quay trở lại hỗ trợ các hoạt động tình nguyện của GFO tại Hà Nội ngay tại đêm nhạc, chàng kỹ sư tương lai muốn đóng góp sức mình giúp những em nhỏ đồng cảnh ngộ mong sao các em được đi học.
Ca sỹ Dương Trần Nghĩa giao lưu âm nhạc cùng các em. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một hoàn cảnh éo le khác là gia đình em Nguyễn Thu Hà, hiện là học sinh lớp 8A trường THCS Lương Yên. Ngôi nhà chỉ vỏn vẹn gần 6 mét vuông là nơi trú nắng, trú mưa của bốn thành viên trong gia đình. Mẹ em bán trà đá trên vỉa hè gần nhà, bố là thợ cắt tóc, bao năm tích cóp dành hết cho việc chữa chạy bệnh tình của hai đứa con gái. Gia đình em gần như kiệt quệ về kinh tế khi dồn tiền mổ tim cho cả hai chị em. Chưa kể, bố em còn bị tâm thần nhẹ, thỉnh thoảng lên cơn động kinh mà chẳng biết lấy tiền đâu mà chữa. Thu Hà đến với GFO cũng nhờ sự giới thiệu của nhà trường. Hiện nay, em đang được GFO hỗ trợ 500.000 đồng/tháng dành cho việc đóng học phí và mua giấy bút, sách vở để em tiếp tục theo học. "Ngoài việc được tiếp tục đi học cùng các bạn, em còn được các anh chị tình nguyện viên cho tham gia trại hè, được học hỏi thêm các kỹ năng sống và nhiều hoạt động bổ ích cùng chúng bạn," Thu Hà kể thật hồn nhiên. Bạn Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, sinh năm 1991, trưởng đại diện GFO Hà Nội, cho biết, hoạt động của GFO hướng đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đang ở độ tuổi đi học từ cấp một đến cấp ba, khoản hỗ trợ nhỏ của GFO giúp các em phần nào hoàn tất việc học của mình cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Hiện nay, GFO đang bảo trợ cho gần 70 em như Nam và Hà. Đêm nhạc của nghĩa tình Trong không gian ấm cúng tại quán M-day Cafe, xúc động trước những mảnh đời nhỏ bé, kém may mắn, đêm nhạc “Keep the dream alive" đã quy tụ nhiều ca sỹ trẻ như Duy Khoa, Minh Vương, Dương Trần Nghĩa, Thùy Trang... đến biểu diễn và kêu gọi gây quỹ cho các em. Bằng những bài ca thấm đẫm tình như: "Angels," "Về thôi em", "Đôi chân trần", "Cho con"..., các ca sỹ đã truyền tải thành công những cảm xúc mạnh mẽ đến với khán giả. Không chỉ bằng lời hát, những khán giả có mặt trong đêm nhạc đã thể hiện lòng nhân ái của mình bằng hành động không ngần ngại ủng hộ dự án "Hãy là người bảo trợ" của GFO thông qua việc mua đĩa thu âm do các tình nguyện viên tự sản xuất, mua vé vào cửa, đấu giá chiếc áo GFO có chữ ký của các ca sỹ, tiền mặt...
Chiếc áo lưu niệm của chương trình được đấu giá gây quỹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Toàn bộ số tiền quyên góp được từ đêm nhạc "Keep the dream alive" sẽ được dành để tổ chức trại hè cho 17 em nhỏ, hỗ trợ thêm các em có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức khám, cấp thuốc định kỳ cho các em nhỏ để đảm bảo sức khỏe cho các em tới trường khi năm học mới đang cận kề. Ông Nguyễn Đăng Khoa, cựu nhà giáo, hiện là quản lý quán cà phê M-day, đơn vị hỗ trợ tổ chức chương trình, đã có những chia sẻ nghẹn ngào về đêm nhạc: "Làm cha, làm mẹ nhìn thấy các con không được tới trường điều đó thật đau xót. Tôi vô cùng cảm phục những tấm lòng của các em tình nguyện viên, của khán giả đêm nhạc ngày hôm nay đã hưởng ứng giúp các con có thêm cơ hội, vững bước trong cuộc đời." Đêm nhạc thực sự đã mang đến cho người nghe không gian âm nhạc tràn ngập tình người, cơ hội lắng nghe những câu chuyện đời thực xúc động về cuộc sống và những ước mơ của các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái và sẻ chia, cùng chung tay chắp cánh cho những ước mơ của các em vươn xa hơn./.
Được thành lập vào tháng 8 năm 2006, là tổ chức phi lợi nhuận duy nhất của cộng đồng người Việt tại Singapore, được đăng ký với Bộ Nội Vụ Singapore và được Ủy ban Quản lý các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài cấp giấy phép hoạt động ở Việt Nam. Mục tiêu của GFO là giúp đỡ về mặt giáo dục cho trẻ em kém may mắn tại Việt Nam, và giúp đỡ về mặt thông tin xã hội cho bệnh nhân người Việt tại Singapore. Hai dự án trọng điểm của GFO hiện nay là “Chuỗi Trung tâm Học tập” và “Hãy là Nhà bảo trợ”. Ngoài ra, GFO cũng đã thành công thực hiện dự án “Giúp đỡ bệnh nhân” từ năm 2006 - 2010. Tính đến nay, GFO có hơn 600 thành viên, và có chi nhánh tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng. |
Quỳnh Trang (Vietnam+)