Trái với dự báo trước đây về nguy cơ giảm doanh thu do tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, giới chức quản lý kênh đào Panama (ACP) ngày 25/10 công bố doanh thu hằng năm cho biết, tài khóa 2019 (tính đến 30/9/2019) các hoạt động kinh tế tại kênh đào đã mang về 3,365 tỷ USD cho quốc gia Trung Mỹ này, tăng 3,9% so với dự kiến và đạt mức cao nhất kể từ khi con kênh này đươc khánh thành vào năm 1914.
Theo ACP, phần lớn doanh thu của tài khóa 2019 đến từ trạm thu phí tàu bè (2,592 tỷ USD) và các dịch vụ hàng hải, trong đó, nguồn thu từ phí tàu bè tăng đáng kể nhờ sự gia tăng các tàu siêu trọng tải chở container qua kênh đào.
Bên cạnh đó, các tàu chở khí hóa lỏng và khí đốt vẫn tiếp tục ghi nhận mức gia tăng về số lượng lớn nhất so với cùng kỳ năm trước với 32,5%.
Các hoạt động mang lại thu nhập cho kênh đào Panama bao gồm phí mà các tàu thuyền phải trả để đi qua 80km đường biển thuộc con kênh và các dịch vụ khác, sản xuất nước uống và năng lượng điện.
Trong năm 2019, trọng tải hàng hóa vận chuyển qua con kênh này cũng đạt mức kỷ lục với 450,7 triệu tấn, tăng 6,2% so với năm ngoái, nhờ vào việc mở rộng kênh đào vào năm 2016 để đáp ứng các con tàu siêu tải trọng.
[Siêu du thuyền đầu tiên chở 3.000 khách đi qua kênh đào Panama mở rộng]
Kênh đào Panama, được Mỹ xây dựng từ năm 1903 tới 1914 và chuyển giao cho Panama vào ngày 31/12/1999, kết nối hơn 140 tuyến đường biển và 1.700 cảng tại 160 quốc gia Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, được xem là một trong những công trình lớn nhất của ngành xây dựng hiện đại.
Theo thống kê của ACP, kể từ khi chính thức tiếp quản từ Chính quyền Mỹ, kênh đào Panama đã đóng góp cho ngân khố quốc gia Trung Mỹ khoảng 15 tỷ USD./.