Ban Quản lý kênh đào Panama (ACP) cho biết, do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Nhật Bản đã vượt Trung Quốc để trở thành nước có lượng hàng hóa và tàu thuyền qua lại lớn thứ hai tại kênh đào này.
Giám đốc ACP Jorge Quijano nhấn mạnh sự gia tăng lưu lượng khí hóa lỏng LPG và LNG từ Mỹ sang Nhật Bản và sự sụt giảm doanh số của các sản phẩm tương tự từ Mỹ sang Trung Quốc chính là một trong những yếu tố cơ bản dẫn đến sự hoán đổi vị trí như trên.
Hiện Mỹ là nước sử dụng kênh đào Panama nhiều nhất, tiếp đến lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc, Chile, Mexico và Hàn Quốc.
Bình quân hàng năm khoảng 5% lượng hàng hóa thương mại của thế giới được vận chuyển qua kênh đào này.
Theo ACP, dự án mở rộng, nâng cấp kênh đào Panama được khởi công từ năm 2007 với số vốn đầu tư 5,6 tỷ USD và được đưa vào sử dụng từ ngày 26/6/2016.
Kênh đào Panama mở rộng hiện có khả năng tiếp nhận các siêu tàu với sức chứa tới 14.000 TEU và dài đến 457 mét, gấp ba lần công suất trước đó. Vận chuyển nhiên liệu khí đốt giữa châu Á và Mỹ là một trong những hoạt động chính của kênh đào Panama mở rộng.
[Siêu du thuyền đầu tiên chở 3.000 khách đi qua kênh đào Panama mở rộng]
Trong tài khóa 2018 (kết thúc cuối tháng 9/2018), lượng khí đốt của Mỹ được vận chuyển qua kênh đào này là 174,9 triệu tấn, chiếm 63% tổng số lượng, tiếp đến là Trung Quốc (41,5 triệu tấn), Mexico và Chile (cùng 30,4 triệu tấn) và Nhật Bản (30 triệu tấn).
Kênh đào Panama, với bề dày hơn 100 năm, đóng vai trò huyết mạch nối giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương và là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất trên thế giới giúp rút ngắn hành trình giao thông đường biển giữa hai bờ đại dương.
Kênh đào Panama được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào tháng 8/1914 và hiện đã kết nối với 140 tuyến đường biển tới 1.700 hải cảng của 160 nước trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn một triệu tàu thuyền qua lại kênh đào này./.