Kết thúc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã nhấn mạnh đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.
Sau 3 ngày làm việc sôi nổi và thẳng thắn, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 4 về Biển Đông với chủ đề 4 “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là những học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia, trong đó có khoảng 100 đại biểu quốc tế gồm học giả và quan chức chính phủ đến từ 27 nước và vùng lãnh thổ, gần 30 đại diện ngoại giao đoàn tại Việt Nam và các học giả, đại biểu Việt Nam.

Theo ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, hội thảo lần này đã diễn ra với chất lượng học thuật rất cao, tinh thần thảo luận thẳng thắn, rất xây dựng và bắt đầu có nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận trên tinh thần “đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ tỉnh táo hơn hành vi của mình.”

Hội thảo đã phân tích, trao đổi sâu hơn về nguyên nhân của căng thẳng tại Biển Đông, đánh giá các nhân tố tác động tới quá trình hoạch định và triển khai chính sách Biển Đông ở một số nước; đánh giá sâu hơn về lợi ích và vai trò của các bên liên quan trực tiếp, các bên không liên quan trực tiếp tới tranh chấp tại Biển Đông.

Đánh giá về tình hình chung, các học giả đều cho rằng Biển Đông đang ngày càng trở thành tâm điểm sự chú ý của các nước trong và ngoài khu vực do trọng tâm kinh tế, chính trị thế giới đang chuyển dịch về châu Á-Thái Bình Dương và do các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước khác trong khu vực, đều coi biển là không gian an ninh và không gian phát triển quan trọng nhất trong thế kỷ 21. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho Biển Đông trong những năm qua diễn biến ngày càng phức tạp, có lúc tưởng chừng như rơi vào “bế tắc.”

Tại hội thảo, một số học giả cảnh báo, các khác biệt lợi ích giữa các nước thành viên ASEAN sẽ là thách thức lớn nhất đối với ASEAN trong những năm tới. Nếu ASEAN không duy trì được đoàn kết nội khối, vai trò của ASEAN trong các cơ chế hợp tác khu vực sẽ sụt giảm thì lợi ích của các nước thành viên ASEAN sẽ bị phớt lờ.

Để xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các nước trong khu vực, các học giả đã đưa ra nhiều khuyến nghị, theo đó, các quốc gia quanh vùng biển kín và nửa kín như Biển Đông cần hợp tác và phối hợp chính sách của mình trong quản lý nguồn sinh vật biển, thực hiện nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển. Mặt khác, tùy theo mức độ phù hợp, các nước mời các bên hay các tổ chức liên quan để hợp tác.

[“ASEAN hy vọng Trung Quốc thảo luận về Biển Đông”]

Nhiều đại biểu khẳng định kinh nghiệm lịch sử cho thấy sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực sẽ không thể giải quyết được các tranh chấp như ở Biển Đông, do vậy các giải pháp hòa bình là con đường duy nhất. Thêm vào đó, cần thúc đẩy vai trò của ASEAN như nhân tố thúc đẩy đối thoại và hợp tác.

Một số học giả đề xuất các nước nghiên cứu và nhận thức lại về lợi ích quốc gia cơ bản của mình ở Biển Đông, cho rằng lợi ích phát triển kinh tế và ổn định xã hội, bảo đảm hòa bình và phát triển khu vực nên đặt lên trên lợi ích mở rộng chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển. Trong khi tìm kiếm giải pháp lâu dài, điều cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát không để bất đồng làm nảy sinh xung đột, khủng hoảng.

Do vậy, các bên cần nhanh chóng xây dựng các cơ chế khu vực nhằm định hướng ứng xử của các bên trong các tình huống cụ thể, như việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Các bên cần làm rõ yêu sách của mình ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, minh bạch hóa chính sách và chiến lược quốc gia ở Biển Đông, nhất là chính sách hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường lòng tin.

Trên khía cạnh pháp lý, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước Luật biển 1982, theo đó, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ lãnh thổ đất liền của các quốc gia ven biển phải được tôn trọng.

Nhiều học giả nhất trí rằng các thực thể tại Biển Đông, đa phần là các bãi cạn hoặc các đảo nhỏ không có người sinh sống, do vậy ít khó có khả năng tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình. Các học giả đánh giá rằng, các đảo nhỏ của Trường Sa và Hoàng Sa sẽ chỉ có 12 hải lý lãnh hải.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng đã đề cập và nhấn mạnh, đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây quan ngại cho các quốc gia có liên quan.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm soát xung đột và giải quyết tranh chấp tại Biển Đông, các học giả khuyến nghị các bên tranh chấp cần hợp tác khảo sát các điều kiện tự nhiên và địa lý của các thực thể tại Biển Đông nhằm xác định quy chế pháp lý của các thực thể này theo quy định của Công ước Luật biển 1982. Trên cơ sở khảo sát đó, các bên trong tranh chấp làm rõ phạm vi các yêu sách về chủ quyền và vùng biển tại biển Đông.

Đánh giá về những kết quả trên, ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho biết sau 3 ngày thảo luận, có rất nhiều kiến nghị cho Chính phủ các nước, có thể tập trung vào 3 nhóm: Thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, làm rõ các yêu sách theo hướng phù hợp với luật quốc tế, đặc biệt là Luật biển 1982; thúc đẩy việc hình thành các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khu vực, đặc biệt là Bộ Quy tắc ứng xử (COC); và kiềm chế, kiềm chế hơn nữa, tuân thủ những điều mình đã cam kết, đặc biệt là những cam kết tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan tại Biển Đông (DOC) mà tất cả các biên liên quan đến tranh chấp đều là thành viên.

Hội thảo do Học viện Ngoại giao và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã kết thúc vào chiều 21/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Hoàng Anh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục