Kêu gọi thay đổi mô hình kinh doanh tránh vỡ nợ

Nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cần thay đổi mô hình kinh doanh để tránh nguy cơ tái diễn chu kỳ phát triển bùng nổ - vỡ nợ.
Giới chuyên gia kinh tế quốc tế đã kêu gọi các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cần thay đổi mô hình kinh doanh để tránh nguy cơ tái diễn chu kỳ phát triển bùng nổ - vỡ nợ.

Nhiều chuyên gia lưu ý rằng cũng như các giai đoạn trước đây, nhân tố chủ chốt dẫn đến sự bùng nổ dòng vốn nước ngoài đổ vào thế giới đang phát triển là lãi suất bị cắt giảm mạnh và sự tăng nhanh của nguồn tiền mặt từ các gói tài chính kích thích kinh tế vượt qua khủng hoảng ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ và châu Âu...

Do những khó khăn ở các các khâu cung - cầu trên thị trường tín dụng, dòng tiền mặt khổng lồ tăng lên nhanh chóng này không chuyển thành nguồn quỹ để tăng nguồn tín dụng cho khu vực tư nhân hoặc chi tiêu ở Mỹ và châu Âu mà tràn ra thế giới để tìm lợi nhuận ở thế giới đang phát triển.

Dòng tiền lớn dễ đến và cũng dễ đi này có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế các nước đang phát triển vì các nền kinh tế này vốn dễ bị tổn thương và tái diễn chu kỳ phát triển bùng nổ - vỡ nợ.

Vì thế, theo họ, các nước đang phát triển thay đổi mô hình kinh doanh để mở ra các cơ hội cho các công ty vừa và nhỏ tạo ra các liên minh rộng rãi các hoạt động kinh tế và xã hội với nguồn thu nhập đa dạng và lợi nhuận đa dạng.

Mô hình mới sẽ tạo điều kiện phát triển hệ thống sản xuất và tiêu dùng phi tập trung hóa có khả năng cạnh tranh và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích kinh tế thế giới đã cảnh báo về nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công tại nhiều nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lan sang thế giới đang phát triển.

Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (CEPR), cuộc khủng hoảng tại Eurozone hiện đã tác động đến hầu hết các nước trong Liên minh châu Âu (EU), đẩy Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Tây Ban Nha và Italy đến bờ vực phá sản.

Trong tương lai gần, nếu không có các biện pháp phòng ngừa, các nền kinh tế đang phát triển sẽ phải hứng chịu các tác động tiêu cực.

Cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone sẽ tác động mạnh đến thế giới đang phát triển theo 3 hướng.

Thứ nhất, Eurozone nói riêng và EU nói chung là thị trường khổng lồ nên xuất khẩu của các nước đang phát triển vào thị trường này sẽ bị giảm mạnh do các chính sách khắc khổ làm giảm nhu cầu tiêu dùng.

Thứ hai, nguồn vốn đầu tư của EU vào các nước đang phát triển sẽ giảm mạnh.

Thứ ba, cuộc khủng hoảng trong Eurozone sẽ gây hỗn loạn các thị trường tài chính toàn cầu và vì vậy sẽ gây tổn thương lớn cho thế giới đang phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục