Khả năng "đội" vốn một số công trình nông nghiệp

Những yếu tố bất lợi đang hiển hiện có khả năng làm tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong khi tập trung vốn cho các công trình dở dang, các dự án cấp bách... thì thực tế 6 tháng cuối năm lại xuất hiện những yếu tố bất lợi có khả năng làm "đội" vốn đầu tư trong một số công trình nông nghiệp. Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Cục Quản lý Xây dựng Công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ ra những khó khăn thực tế đặt ra trong 6 tháng cuối năm là mùa mưa bão, diễn biến thời tiết phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến trình thi công, nhất là công trình chặn dòng vượt lũ. Mặt khác, những thách thức sẽ lớn hơn nữa khi giá nguyên, nhiên, vật liệu trong 6 tháng cuối năm 2013 theo cơ chế hiện nay không ổn định; nhân công cũng sẽ tăng theo lộ trình điều chỉnh lương tối thiểu, làm tăng vốn đầu tư. Hơn nữa, vốn đối ứng của các địa phương không đáp ứng kịp thời để chi trả đền bù xây lắp của các dự án ODA sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân. Trước yêu cầu thực tế, Cục Quản lý Xây dựng Công trình đặt ra mục tiêu thực hiện kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013 (theo chương trình hành động của Bộ về thực hiện Nghị Quyết 01/2012/NQ-CP), là thực hiện giải ngân 100% vốn ngân sách trong nước, đạt và vượt kế hoạch giải ngân vốn ngoài nước với các dự án vốn vay, đồng thời với việc rà soát, cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư; góp phần thực hiện chương trình hành động Đề án tái cơ cấu ngành. Tính đến ngày 20/6/2012, việc thực hiện vốn ngân sách tập trung ước đạt 3.285 tỷ đồng, bằng 71,27% kế hoạch năm; trong đó, vốn ngoài nước đạt 1.325 tỷ đồng, bằng 65,8% kế hoạch Chính phủ giao nhưng chỉ bằng 32,56% kế hoạch Bộ giao; vốn trong nước đạt 1.960 tỷ đồng, bằng 75,49% kế hoạch. Vốn trái phiếu chính phủ thực hiện ước đạt 3.700 tỷ đồng, bằng 64,9% kế hoạch. Theo kế hoạch 6 tháng cuối năm, Cục Quản lý Xây dựng Công trình, ra phải đảm bảo an toàn tuyệt đối với các công trình chặn dòng vượt lũ năm 2013. Đồng thời các đơn vị thực hiện cần đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án ODA, nhất là các dự án Phước Hòa, Phan Rí-Phan Thiết, ADB5 (Hợp phần thủy lợi và hợp phần trường đại học thủy lợi) ADB6, WB6… và khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị thực hiện sau khi ký Hiệp Định như: ADB Tây Nguyên, WB7… Trước tình hình đó, Cục Quản lý xây dựng công trình đề nghị Bộ xem xét kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cho phép điều chỉnh vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015 của các công trình không sử dụng hết cho các công trình hoàn thành, cấp bách, chặn dòng, vượt lũ đã vượt vốn được giao trong nguồn vốn Chính phủ đã giao cho Bộ để công trình sớm hoàn thành phát huy hiệu quả. Đồng thời bổ sung nguồn vốn kế hoạch cấp trực tiếp cho các địa phương thực hiện hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng và kênh cấp nước để đáp ứng tiến độ chung của dự án, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.
Tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách tập trung năm 2013 Bộ Nông nghiệp  và Phát triển Nông thôn được giao là 10.309 tỷ đồng; bao gồm: 2.596 tỷ đồng vốn trong nước, 2.013 tỷ đồng vốn ngoài nước và 5.700 đồng vốn trái phiếu chính phủ.

Theo kế hoạch 6 tháng cuối năm 2013, Cục Quản lý xây dựng công trình đặt mục tiêu hoàn thành 80 công trình trong năm 2013, gồm 21 công trình có vốn trái phiếu chính phủ, 59 công trình vốn ngân sách Nhà nước; trong đó có hai dự án ODA (dự án nước sạch vệ sinh nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 1, Dự án chống lũ hạ du sông Sài Gòn), đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư./.
Thanh Tâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục