Khả năng Đức hình thành chính sách thực tế đối với Trung Quốc

Đảng CDU đã chấp thuận đề nghị tổ chức tranh luận tại Quốc hội về việc có để Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng lưới 5G của Đức hay không.
Khả năng Đức hình thành chính sách thực tế đối với Trung Quốc ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Nguồn: AFP)

Mạng tin của tờ Thời báo Hoàn cầu ngày 1/12 đã đăng bài bình luận của ông Mao Xiaohong, Phó giám đốc Viện trao đổi hợp tác nhân dân Trung Quốc-Đức thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, về quan hệ giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay.

Dưới đây là nội dung chi tiết:

Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Đức - đảng cầm quyền tại quốc gia này mà Thủ tướng Angela Merkel từng là một cựu lãnh đạo - đã tổ chức một hội nghị của đảng tại Leipzig từ ngày 22-23/11.

CDU đã đưa ra những quyết định về các vấn đề quan trọng, bao gồm cả tiến trình lựa chọn ứng cử viên tranh cử thủ tướng và cải cách hệ thống hưu trí.

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp và nền chính trị Đức dễ bị biến động, hội nghị của đảng CDU đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước Đức và làm rõ vai trò của quốc gia này trong các hoạt động đối nội và đối ngoại trong tương lai.

[Thủ tướng Merkel: Đức hoan nghênh các nhà đầu tư của Trung Quốc]

Tuy nhiên, liệu Huawei có được phép tham gia vào việc triển khai mạng 5G tại Đức hay không là một trong những vấn đề quan trọng nhất của hội nghị này. Điều đó cho thấy vấn đề công nghệ đã trở thành điều gây lo ngại về địa chính trị, an ninh quốc gia và ý thức hệ. Nó cũng thể hiện rằng các chính trị gia Đức tồn tại những khác biệt lớn liên quan tới vấn đề này.

Phe ôn hòa, do bà Merkel đại diện cho rằng Đức không nên loại bỏ bất kỳ công ty nào chỉ vì các vấn đề chính trị, mà cần tập trung nhiều hơn vào các nhân tố khách quan, ví dụ như liệu các tiêu chuẩn và an ninh công nghệ của các công ty đó có đáp ứng được yêu cầu của Đức hay không.

Tuy nhiên, một số người theo quan điểm cứng rắn hơn biến điều này thành một vấn đề ý thức hệ và cho rằng Huawei cần phải bị loại ra. Lý do họ đưa ra là "không có công ty nào của Trung Quốc là một công ty độc lập cả," đồng thời nói thêm rằng việc Huawei tham gia triển khai mạng 5G tại Đức sẽ làm dấy lên "câu hỏi về an ninh quốc gia."

Bà Merkel đang chống lại sức ép rất lớn và không hề thay đổi quan điểm của mình tại hội nghị vừa qua. Đảng CDU đã chấp thuận đề nghị tổ chức tranh luận tại Quốc hội về việc có để Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng lưới 5G của Đức hay không.

Tuy nhiên, đảng này cũng nhất trí rằng những công ty tham gia đấu thầu các hợp đồng triển khai mạng 5G tại Đức phải đảm bảo rằng mạng lưới 5G này không chịu ảnh hưởng từ nước ngoài.

Điều kiện này là áp dụng đồng đều cho tất cả các công ty từ Mỹ, Trung Quốc và những quốc gia khác trên thế giới. Điều đó thể hiện mong muốn duy trì sự hợp tác đa phương về công nghệ.

Nếu một đảng chủ lưu lớn ở châu Âu chọn hợp tác đa phương về công nghệ và từ bỏ những lựa chọn khiến thế giới bị chia rẽ sâu sắc hơn, điều đó cho thấy sự chín chắn về chính trị của đảng đó.

Nó sẽ không chỉ làm lợi cho nước Đức mà còn đóng một vai trò quan trọng như một hình mẫu cho các nước phương Tây khác vốn đang đối mặt với những vấn đề tương tự. Như Thủ tướng Merkel từng nói năm 2017, châu Âu phải tự nắm lấy vận mệnh của mình trong tay. Châu Âu không nên phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ như trước đây.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, kế hoạch Marshall đã giúp nền kinh tế Đức "cất cánh" và tạo điều kiện thuận lợi hơn để khôi phục trật tự xã hội. Vì vậy, Mỹ khi đó được coi là "người giải phóng" nước Đức.

Sau khi nước Đức thống nhất năm 1990, Mỹ - quốc gia chiến thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh - được coi như "vị cứu tinh" đã giúp nước Đức hợp nhất. Trong kỷ nguyên của mạng Internet, Mỹ được coi là quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực công nghệ.

Nhiều thập kỷ đi theo Mỹ, Đức ở một mức độ nào đó đã mất khả năng tự quyết định sự phát triển và vận mệnh của mình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Mỹ đang theo đuổi chủ nghĩa đơn phương.

Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức đang bị ảnh hưởng không chỉ bởi cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung, mà còn bởi đe dọa của Mỹ về việc áp thuế đối với hàng hóa của Đức.

Do đó, đã đến lúc Berlin cần thôi sợ hãi trước những đe dọa từ Washington và đưa ra những lựa chọn phù hợp với lợi ích của chính mình.

Đức có thể tăng cường phát triển sáng tạo và hợp tác công nghệ với Trung Quốc thông qua việc hợp tác với Huawei. Berlin cũng có thể đặt ra những tiêu chuẩn về an ninh và công nghệ 5G với Bắc Kinh.

Khả năng Đức hình thành chính sách thực tế đối với Trung Quốc ảnh 2Berlin cũng có thể đặt ra những tiêu chuẩn về an ninh và công nghệ 5G với Bắc Kinh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Điều này sẽ giúp Đức bù đắp lại những thiếu hụt của nước này về các công nghệ thông tin liên lạc, và tạo nền tảng cho an ninh chính trị, phát triển kinh tế và ổn định xã hội của Đức.

Vẫn có một số chính trị gia Đức bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những tư tưởng rập khuôn và quan điểm tiêu cực của giới truyền thông phương Tây về Trung Quốc. Khi họ nói về Trung Quốc, đầu tiên họ sẽ nghĩ về những khác biệt ý thức hệ.

Mặc dù họ hiểu rằng trao đổi thương mại, hợp tác công nghệ và mối quan hệ qua lại giữa Trung Quốc và Đức là điều phù hợp nhất với lợi ích của Đức, song họ cảm thấy sẽ không đúng đắn về mặt chính trị nếu họ không nói về các vấn đề gọi là dân chủ, nhân quyền và quyền tự do ngôn luận bất kể khi nào nhắc tới Trung Quốc.

Nếp suy nghĩ đó chắc chắn sẽ làm gia tăng sự nghi kỵ của Đức đối với Trung Quốc và cũng làm tổn hại tới chính những lợi ích của Đức.

Tranh cãi giữa Trung Quốc và Đức trong những năm gần đây cơ bản xuất phát từ việc một số lực lượng của Đức lên án các vấn đề đối nội của Trung Quốc.

Các quan chức Trung Quốc chưa bao giờ can thiệp vào các công việc nội bộ của Đức, và chưa bao giờ bình luận về những hiện tượng như chủ nghĩa phát xít mới hay làn sóng dâng cao của tư tưởng bài Do Thái.

Thay vào đó, Trung Quốc tin rằng chính phủ và nhân dân Đức có khả năng giải quyết các vấn đề này.

Nhìn chung, quan hệ Trung Quốc-Đức có một nền tảng vững chắc và dựa trên thực tế. Hai nước có thể vượt qua những khác biệt về hệ thống và ý thức hệ, cùng nhau bảo vệ chủ nghĩa đa phương, tạo ra một hình mẫu cho sự hợp tác cùng thắng, ổn định tình hình quốc tế và đem lại thêm hy vọng cũng như lợi ích cho nhân dân hai nước và nhân dân trên toàn thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục