Chiều 25/3, tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng Nhân dân làm căn cứ pháp lý để Hội đồng Nhân dân các cấp triển khai nhiệm vụ được thống nhất, đồng bộ; từ đó khắc phục những tồn tại, khó khăn dựa trên nguyên tắc và quy định pháp luật.
Khắc phục những tồn tại, tháo gỡ khó khăn
Tham luận tại Hội nghị về các hoạt động nổi bật của Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ thời gian qua, Trưởng Ban Nguyễn Văn Dũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, chất lượng, hiệu quả trong các hoạt động của Ban từng bước được nâng lên và đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, vẫn còn những hạn chế như việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra có lúc chưa đầy đủ; việc tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về những nội dung thẩm tra chưa thường xuyên; hoạt động giám sát đôi lúc còn chưa toàn diện…
Thời gian tới, Ban Đô thị Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ sẽ kịp thời xây dựng kế hoạch thẩm tra, khảo sát để nắm rõ tình hình về những nội dung liên quan đến thẩm tra; thường xuyên đôn đốc thực hiện các quyết nghị sau giám sát, đặc biệt là việc thực hiện quy hoạch thành phố Cần Thơ, kiến trúc đô thị, giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư…
Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái Triệu Thị Bình cho biết, luôn chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, ngay từ đầu năm, Ban đã xây dựng kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên theo từng tháng, có sơ kết rút kinh nghiệm.
Kết thúc năm 2023, Ban đã thực hiện hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ đề ra, góp phần không nhỏ trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh.
Qua giám sát, Ban Dân tộc đã xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đưa ra các kiến nghị xác đáng, rõ ràng, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, giúp các cơ quan liên quan và địa phương khắc phục tồn tại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn.
Nhiều kiến nghị đã được cơ quan chịu sự giám sát quan tâm, chỉ đạo và thực hiện.Nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các Ban của HĐND, Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành Quy chế mẫu hoạt động của Hội đồng Nhân dân làm căn cứ pháp lý để Hội đồng Nhân dân các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ được thống nhất, đồng bộ.
Để chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2026 - 2031, căn cứ vào khối lượng, nội dung, nhiệm vụ phụ trách đối với mỗi Ban của Hội đồng Nhân dâncấp tỉnh, Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng nâng số đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách cho mỗi ban của Hội đồng Nhân dâncấp tỉnh, nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND.
Đảm bảo nguyên tắc và quy định pháp luật
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Trần Minh Lực, năm 2023, tỉnh đã có nhiều nỗ lực, tích cực bám sát chỉ đạo của Trung ương; tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, chủ động, sáng tạo, đổi mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, cùng sự đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả.
Năm 2024, Ninh Thuận xác định là năm tăng tốc, nỗ lực quyết tâm cao hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024, hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận quyết tâm triển khai và giám sát, đôn đốc, đồng hành, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2024; trong đó, tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung thực hiện 3 đột phá: Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên vùng, nhất là các dự án kết cấu hạ tầng; hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các trọng điểm phát triển; khơi thông nguồn lực đất đai…
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, nâng chất lượng nguồn nhân lực, y tế, xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Trần Minh Lực cho biết, tỉnh tiếp tục kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế.
Hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận có nhiều đổi mới, sáng tạo, chất lượng, hiệu quả trên các lĩnh vực hoạt động như: Tổ chức kỳ họp kịp thời, chuyên nghiệp; thẩm tra xây dựng ban hành nghị quyết chất lượng, khả thi; chất vấn, giải trình sâu sát, thiết thực, cụ thể; tiếp xúc cử tri thường xuyên, chuyên đề đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân; trong đó, công tác thẩm tra xây dựng, ban hành nghị quyết có những đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả...
“Hoạt động thẩm tra của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân đối với dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo trình kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh phải đảm bảo nguyên tắc và quy định pháp luật,” ông Trần Minh Lực nói.
Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu có những đề xuất, kiến nghị sát thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Minh Lực, hoạt động thẩm tra của Thường trực Hội đồng Nhân dân, các Ban Hội đồng Nhân dân phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Nhân dân tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương, chuẩn bị qua nhiều bước. Với sự đổi mới thường xuyên trong hoạt động thẩm tra, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các Ban Hội đồng Nhân dân, đại biểu Hội đồng Nhân dân, các cơ quan, đơn vị liên quan trong chuẩn bị tổ chức các kỳ họp Hội đồng Nhân dân.
Nhiều nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh góp phần đột phá phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực năng lượng sạch, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng, bất động sản, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình cho biết, công tác phối hợp giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh và Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh trong việc chuẩn bị kỳ họp là rất quan trọng, chiếm phần lớn khối lượng công việc kỳ họp.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh, để công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp kịp thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo đôn đốc, rà soát các văn bản của Trung ương, căn cứ các hoạt động thực tế địa phương và đề nghị xây dựng nghị quyết của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh xem xét, đưa vào chương trình kỳ họp sớm, để đảm bảo thời gian triển khai nghị quyết đạt chất lượng.
Trước mỗi kỳ họp, Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh tổ chức phiên họp với các cơ quan liên quan để xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị xây dựng báo cáo, tờ trình, thực hiện đầy đủ quy định về thời gian, nội dung trình Hội đồng Nhân dân tỉnh.../.