Khắc phục tồn tại trong điều hành tiền tệ

Khắc phục tồn tại trong điều hành chính sách tiền tệ

Theo các chuyên gia, chính phủ nên chủ động điều tiết, kiểm soát chi thường xuyên và đầu tư công, từ đó giảm gánh nặng ngân sách.
Khắc phục tồn tại trong điều hành chính sách tiền tệ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều chuyên gia kiến nghị để khắc phục những tồn tại trong điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ nên chủ động điều tiết, kiểm soát và khống chế hoạt động chi, hài hòa giữa chi thường xuyên và đầu tư công và quyết tâm giảm dần tỷ lệ đầu tư công qua từng năm, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách.

Tại hội thảo “Chính sách tài khóa và tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014-2015” do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ở Hà Nội, tiến sỹ Trịnh Quang Anh cho biết, mặc dù, giai đoạn phát triển kinh tế 2011-2015 sắp đi qua nhưng đến nay, nền kinh tế vẫn bộc lộ một số tồn tại.

Trước hết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) được xác định là tăng trung bình 6,5-7%/năm rất khó đạt được bởi 3 năm qua chưa năm nào kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng tới 6,5% và trên thực tế chỉ đạt mức 5,6%.

Trong khi đó, Chính phủ cũng đưa ra con số dự báo GDP tăng trưởng khoảng 5,8% trong năm kế hoạch 2014 và 6% trong năm 2015 nên khả năng hoàn thành mục tiêu rất khó trở thành hiện thực.

Đến nay, kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp rất chậm dẫn đến việc sản xuất kinh doanh thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực đồng thời làm mất cơ hội đối với các thành phần kinh tế khác.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho những năm tới, theo Tiến sỹ Võ Trí Thành (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), trong các năm 2014 và 2015 cần tính đến độ trễ trong các chính sách, cơ chế điều hành từ tầm vĩ mô, nhất là sức lan tỏa của chính sách.

Chính phủ nên lưu ý thực tiễn các dòng vốn nước ngoài đang luân chuyển với tốc độ rất nhanh, từ đó, đặt ra yêu cầu ra quyết định điều hành một cách nhanh gọn và quyết đoán để tận dụng thời cơ thu hút vốn một cách linh hoạt.

Một số chuyên gia kinh tế khác cũng tỏ ra dè dặt trước yêu cầu ổn định tỷ giá cũng như kìm hãm tốc độ lạm phát vì thời gian tới Việt Nam sẽ buộc phải tuân thủ các cam kết về điều hành giá theo cơ chế thị trường. Khi đó, giá cả sẽ biến động không ngừng theo tính hiệu thị trường quốc tế và gây khó khăn cho công tác dự báo, điều hành hàng tuần, hàng tháng của cơ quan chức năng.

Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cho biết, sở dĩ có việc bội chi, chi cao hơn mức cho phép đã được xác định từ đầu năm do một số cơ quan, doanh nghiệp không tự giác tuân thủ kỷ luật tài khóa, do đó Chính phủ nên chủ động điều tiết, kiểm soát và khống chế hoạt động chi, giảm gánh nặng cho ngân sách.

Ngoài ra, Chính phủ cần xác lập rõ các biện pháp điều hành nhằm vào mục tiêu ngắn và dài hạn để huy động và sử dụng nguồn lực tổng hợp một cách hợp lý./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục