Ngân hàng Nhà nước vừa thông tin, lãi suất đang trong xu thế ổn định và sẽ duy trì được trong năm 2017.
Về điều hành lãi suất, cơ quan này đánh giá trong những ngày đầu tháng 1/2017 có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động từ 0,1-0,3%/năm, việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường.
Với việc điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở, nhằm đảm bảo thanh khoản cho hệ thống dịp cuối năm, thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.
Hiện, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Đối với vấn đề tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong điều kiện thị trường tài chính thế giới năm 2017 dự kiến có diễn biến phức tạp với sự thay đổi các chính sách kinh tế của Mỹ, Fed tiếp tục tăng lãi suất… Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các cân đối vĩ mô nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, tiếp tục điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, can thiệp thị trường khi cần thiết.
Tỷ lệ nợ xấu theo thống kê tiếp tục được kiểm soát ở mức dưới 3%. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh thông qua yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng. Trong năm 2017, vai trò của VAMC sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, bền vững.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Trong năm 2017 Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng kế hoạch cũng như tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.
Việc cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị của tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng nhưng phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Tổ chức tín dụng tiếp tục được đẩy mạnh theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng nhưng phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống./.