Trong quá trình đi kiểm tra xử phạt tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện trên địa bàn các tỉnh, thành phố cho thấy khách sạn, nhà hàng là địa điểm có tỷ lệ vi phạm cao (chiếm tới 80%) về Luật phòng chống tác hại thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc lá thụ động cao nhất so với các địa điểm quy định trong Luật.
Thông tin trên được đại diện của Cục Y tế (Bộ Công an) đưa ra tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, do Bộ Y tế tổ chức ngày 24/8 tại Hà Nội.
Kiểm tra giám sát hàng nghìn cơ sở
Theo đại diện của Cục Y tế (Bộ Công an), các vi phạm phổ biến tại nhà hàng như hút thuốc tại các khu trong nhà của nhà hàng, không treo biển có chữ/biểu tượng cấm hút thuốc lá. Các vi phạm phổ biến tại khách sạn như hút thuốc tại các khu trong nhà của khách sạn, không treo biển có chữ biểu tượng cấm hút thuốc lá, nơi dành riêng không đáp ứng quy định của Luật.
[Thuốc lá và rượu là nguyên nhân chính gây bệnh ung thư trên toàn cầu]
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố, sau đại dịch COVID-19 là đại dịch của các bệnh các bệnh không lây nhiễm như huyết áp, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ và Việt Nam cũng đang đối mặt với làn sóng chung này.
Theo báo cáo của Cục quản lý khám chữa bệnh có tới 70-75% bệnh nhân đến các cơ sở khám và điều trị liên quan đến các căn bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa, mỡ máu, cholesterol, đột quỵ, tim mạch. Các khoa, các phòng ung thư, bệnh viện tim mạch, hô hấp quá tải. Một trong những những nguyên nhân chính của các bệnh trên chính là do nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Do vậy, Bộ Y tế luôn chú trọng để đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bởi không kiểm tra giám sát thì nguy cơ ngày càng nhiều.
Giai đoạn 2015-2018, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế tổ chức tập huấn hướng dẫn cho 95 thanh tra viên của 63 tỉnh, thành phố.
Các lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 3.695 cơ sở. Cụ thể, Bộ Công an kiểm tra tại 31 tỉnh, thành phố với hơn 952 cơ sở. Thanh tra Bộ Y tế kiểm tra 276 cơ sở, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm kiểm tra 249 cơ sở, Ủy ban Nhân dân quận Tây Hồ kiểm tra 132 cơ sở…
Các tỉnh, thành phố đã tổ chức 346 đợt kiểm tra tại 2005 cơ sở. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm quy định của Luật phòng chống tác hại của thuốc lá là 706 triệu đồng.
Trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an và công an các địa phương thông qua sự hỗ trợ kinh phí của WHO và các tổ chức quốc tế. Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố kiểm tra được 1.927 đơn vị/cơ sở, xử phát 376 trường hợp vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc. Các tỉnh/thành phố đã tổ chức 349 đợt giám sát tại 3.099 đơn vị. Các bộ, ngành tổ chức được 47 đợt giám sát tại 433 đơn vị. Tổng số tiền xử phạt trong 2 năm (2019-2021) là hơn 563 triệu đồng.
Năm 2021, Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Bộ Công an phối hợp với Ban chỉ đạo Phòng chống tác hại của thuốc lá Công an các địa phương kiêm tra xử phạt tại 5 tỉnh/thành phố ở Cao Bằng, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thành phố Hà Giang, thành phố Bắc Kạn, thành phố Hòa Bình. Đoàn kiểm tra giám sát tổng số 599 các cơ sở kinh doanh trên địa bản (nhà hàng, khách sạn, quán karaoke...) với số tiến xử phạt 120 triệu đồng. Ngoài ra, công an các đơn vị , địa phương lập biên bản cảnh cáo: 179 trường hợp, xử lý: 68 vụ; phạt tiền: 260,5 triệu đồng.
Công tác phòng ngừa đấu tranh, phát hiện những hành vi buôn lậu, tàng trữ thuốc lá được Bộ Công an kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật, bắt và xử lý: 59 vụ, số thuốc là tịch thu: 86.900 bao thuốc lá các loại, phạt tiền: 9,1 tỷ đồng.
"Gỡ khó" khi thanh kiểm tra
Tại hội thảo, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cũng nêu những khó khăn trong công tác thanh kiểm tra như Quỹ không được phép hỗ trợ kinh phí cho hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm, trong khi kinh phí ngân sách cho hoạt động này còn hạn chế. Thời gian qua kinh phí cho các đoàn kiểm tra đang dựa vào hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Vì vậy, việc kiểm tra chủ yếu mới chỉ tập trung tại các khu vực khách sạn, nhà hàng và một số ít cơ sở như trường học, bệnh viện, nơi làm việc, bến tàu xe…
Bên cạnh đó là khó khăn về quy định của pháp luật như: Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc. Tuy nhiên, Nghị định số 135/2021/NĐ-CP quy định về danh mục, việc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ lại không quy định danh mục cho nội dung về phòng chống tác hại thuốc lá.
Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị cần tăng cường phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá. Đặc biệt, nghiên cứu khả năng và giải pháp tăng cường thực thực thi quy định cho phép sử dụng phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính một số hành vi tại địa điểm cấm hút thuốc…/.