Khai mạc CG 2008: Vượt lên thách thức, duy trì tăng trưởng

Với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng”, Hội nghị Nhóm tư vấn Các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2008 đã bắt đầu sáng nay (4/12), tại Hà Nội.

Với chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tiềm năng tăng trưởng”, Hội nghị Nhóm tư vấn Các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2008 đã bắt đầu sáng nay (4/12), tại Hà Nội.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức do những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu. Vì vậy, thông qua những trao đổi thẳng thắn tại Hội nghị, Thủ tướng hy vọng cộng đồng các nhà tài trợ sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam thực hiện công cuộc phát triển kinh tế bền vững đồng thời tái khẳng định, chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn viện trợ ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao cũng như sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này.
 
Tăng trưởng khá, giảm nghèo được duy trì
 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm nay, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng kể, trong dó duy trì được nhịp độ tăng trường kinh tế và giảm đói nghèo.
 
Dự kiến, năm 2008, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao, vào khoảng 6,7% với cơ cấu kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định. Các lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1% (còn 13%)... Lạm phát đã được kiềm chế, xuất khẩu 11 tháng tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu giảm mạnh; đầu tư nước ngoài tăng cao, vốn đăng kỳ đạt trên 60 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay.
 
Đạt được những thành tựu quan trọng như vậy, Thủ tướng cho rằng ngoài sự nỗ lực phấn đấu của nội tại nền kinh tế, có sự ủng hộ rất to lớn từ cộng đồng các nhà tài trợ, trong đó nguồn vốn ODA hết sức quan trọng. Trong 15 năm qua, kể từ năm 1993 đến nay, thông qua nguồn vốn ODA, các nhà tài trợ quốc tế đã tài trợ cho Việt Nam 13,6 tỷ USD; trong đó số vốn đã giải ngân được là trên 6 tỷ USD. 
 
Trong bài phát biểu tại Hội nghị, bà Fiona Louise Lappin, Trưởng đại diện của Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam và là trưởng đoàn đại biểu Anh quốc cũng hoan nghênh chính phủ Việt Nam tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo làm trọng tâm trong các chính sách kinh tế xã hội của mình và duy trì các khoản chi ngân sách cho lĩnh vực xã hội trong năm 2009. “Chúng tôi đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ trong việc đưa ra các sáng kiến mới, đối phó với các hình thức nghèo mới và Vương quốc Anh cam kết ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực này nhằm đảm bảo rằng cuộc chiến chống đói nghèo vẫ tiếp tục và những thành tựu đang có được bảo vệ,” bà Louise Lappin nói.
 
Liên quan đến các vấn đề về phòng chống căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS - một trong những căn nguyên dẫn đến đói nghèo, các vị đại sứ - Trưởng Nhóm điều phối không chính thức về HIV cũng đưa ra các khuyến nghị với chính phủ về thực thi một cơ chế có sự tham gia của đối tác cho việc điều phối chung các nguồn lực và hỗ trợ của cả chính phủ và các nhà tài trợ. 
 
Mặt khác, các nhà tài trợ cung cam kết hỗ trợ Ủy ban Quốc gia thành lập cơ chế này nhằm khắc phục những khó khăn đã được đưa ra tại các hội nghị CG trước đây và nâng cao hiệu quả các nguồn viện trợ trong công tác phòng chống HIV. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu Thiên niên kỷ mà Việt Nam cam kết thực hiện.
 
Thách thức và đối sách 

Tuy đạt được những kết quả tương đối khả quan, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng thừa nhận, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ cả bên trong lẫn bên ngoài, đe dọa đến mục tiêu duy trì tăng trưởng bền vững.
 
“Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới chưa có khả năng kết thúc sớm, đang tác động tiêu cực đến các nền kinh tế. Nhiệm vụ đặt ra cho năm 2009 đối với Việt Nam là rất nặng nề, được thực hiện trong điều kiện có nhiều khó khăn,” Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Báo cáo từ đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức ngay trước thềm CG cũng đưa ra những quan ngại về tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tới thị trường tài chính-tiền tệ Việt Nam, làm suy giảm xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, Nhóm thị trường vốn cho rằng, Việt Nsm trong ngắn hạn có khả năng khó thu hút đầu tư gián tiếp do vấp phải sự cạnh tranh từ các thị trường khách hiện có giá chứng khoán rẻ hơn.
 
Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng (viễn thông, cảng biển, sân bay, đường sá) vẫn tiếp tục tăng cao trong khi nguồn tài chính bị thu hẹp đáng kể do ngân sách hạn hẹp, nguồn vốn FDI suy giảm, tiếp cận tín dụng khó khăn… cũng sẽ là những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
 
Đại diện đến từ Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng lưu ý đến những thách thức của khu vực ngân hàng-xương sống của nền kinh tế. “Chúng tôi rất quan tâm tới báo cáo của Ngân hàng nhà nước về chất lượng của các ngân hàng, trong đó có chất lượng tài sản trong thời gian tới. Vì vậy, việc thu thập các tài liệu, thông tin về tài khóa, các ngân hàng và doan h nghiệp cần phải làm ngay để có thể tham mưu cho chính phủ trong việc hoạch định chính sách,” đại diện IMF nói.
 
IMF đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2009 sẽ chỉ là 5%, so với mức tăng 6% của năm 2008; lạm phát sẽ được “kéo” xuống một con số chủ yếu do giá cả đi xuống. Trong khi đó, thâm hụt tài khoản vãng lai ước tính chiếm khoảng 9,5% GDP trong năm 2009 và năm 2008 là khoảng 8,5%. Hơn nữa, dự trự ngoại tệ (cũng chỉ khoảng 3 tháng nhâp khẩu) cũng sẽ gặp phải khó khăn vì đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. 
 
“Rủi ro thứ nhất là tác động về xuất khẩu và kiều hối do các nền kinh tế thế giới đi xuống, tài chính của các nước cũng làm cho FDI đi xuống và thâm hụt vãng lai tăng lên, trong khi nợ nước ngoài cũng sẽ gây sức ép lên ngoại tệ và tỷ giá hối đoái, thách thức cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp,” vị đại diện IMF nhấn mạnh. 
 
Theo IMF, trong môi trường nhiều bất ổn như vậy thì Việt Nam đương nhiên sẽ gặp nhiều thách thức trong việc chèo lái còn tàu kinh tế của mình. Thách thức thứ nhất là về chính sách: phải xây dựng một chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp cân bằng rủi ro, làm sao có thể mở rộng chính sách tài khóa để xử lý những thách thức trong nội tại. Chính sách tài khóa, thay vì sự can thiệp một chiều làm hạn chế kinh tế, hướng sự hỗ trợ vào những nhóm dễ bị tổn thương bằng việc điều chỉnh các nguồn lực từ những dự án không hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước và tăng chi tiêu xã hội hơn nữa.

Mặt khác, Ngân hàng nhà nước cần thận trọng trong việc giãn các chính sách “nới lỏng” của mình để gảm sức ép lên tiền đồng, tính toán tới việc mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá… cũng như xử lý ngay những bất ổn định trong hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Cuối cùng, chính phủ cần phải thúc đẩy hơn nữa cải cách cơ cấu, đặc biệt trong lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng và đồng thời tăng cường hơn nữa niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh khó khăn hiện nay. 
 
“Tuy đối mặt với những khó khăn, nhưng triển vọng kinh tế của Việt Nam về trung, dài hạn vẫn rất sáng sủa và IMF khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về các khuyến nghị liên quan đến chính sách”, đại diện IMF cho biết.
 Trình bày báo cáo tóm tắt thực hiện Kế hoạch năm 2008, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, để hạn chế tối đa những tác động của khủng hoảng tài chính và ngăn chặn suy giảm kinh tế trong nước, trong những tháng cuối năm, chính phủ chủ trương thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung 5 nhóm giải pháp về thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu; kích cầu đầu tư và tiêu dùng; bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện chính sách tài chính tiền tệ linh hoạt; điều hành quyết liệt, phù hợp với tình hình mới.
 
Tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp tại VBF cũng là những khuyến nghị lên chính phủ về việc đẩy mạnh các chương trình cải cách và tháo gỡ các rào cản kinh doanh như cơ sở hạ tầng yếu kém, thủ tục hành chính cồn kềnh và nạn tham nhũng đồng thời kiến nghị doanh nghiệp cần được tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn chính sách, xây dựng pháp luật để các chính sách và quy định ban hành phản ánh chân thực ý kiến đóng góp mang tính thực tế và xây dựng của doanh nghiệp./.

Nội dung chính của Hội nghị CG năm nay tập trung vào các vấn đề quan trọng như chính sách về môi trường kinh tế vĩ mô, thực hiện Kế hoạch năm 2008 và giữa kỳ của Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010; thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam; cập nhật và trao đổi về tình hình đói nghèo ở Việt Nam; cải cách hành chính và chống tham nhũng ; y tế và biến đổi khí hậu… Về hiệu quả viện trợ, hội nghị sẽ tập trung thảo luận đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Tuyên bố Pari và Cam kết Hà Nội, Kế hoạch hành động thực hiện chương trình hành động Accra.

Khánh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục