Khai mạc cuộc thi Tiếng hát Sinh viên toàn quốc lần thứ XV năm 2023

Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên và khích lệ phong trào văn hoá, nghệ thuật trong các trường học.

Đây là năm thứ 15 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Tiêng hát sinh viên toàn quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đây là năm thứ 15 Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi Tiêng hát sinh viên toàn quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tối nay, 24/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ khai mạc Cuộc thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc khu vực phía Nam tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Vòng thi khu vực phía Nam sẽ diễn ra đến ngày 26/11. Đây cũng là vòng thi khu vực đầu tiên của cuộc thi Tiếng hát sinh viên toàn quốc lần thứ XV-2023.

Vòng khu vực miền Bắc sẽ tổ chức từ ngày 1 đến ngày 3/12 tại Trường Đại học Thuỷ Lợi, Hà Nội. Vòng chung kết được tổ chức tại Trường Đại học Phenikaa vào ngày 9-10/12.

Cuộc thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên, định hướng, động viên và đánh giá phong trào văn hoá, nghệ thuật trong các trường học.

Chủ đề của Cuộc thi năm 2023 là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nhà trường, thầy cô và bạn bè; thể hiện ước mơ, khát vọng, tình cảm, trách nhiệm của sinh viên đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cách thức tổ chức bao gồm hai phần: Phần ca giữ vai trò chủ đạo và phần phụ hoạ.

Ở phần ca, các đoàn có thể chọn hình thức đơn ca, song ca, tam ca, tốp ca, hợp ca. Các bài hát dự thi thể hiện bằng tiếng Việt phổ thông. Thí sinh hát các bài hát bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng dân tộc thiểu số phải có ít nhất một lần hát bằng tiếng Việt (hoặc thuyết minh phần lời dịch ra tiếng Việt). Mỗi sinh viên đăng ký tham gia không quá một tiết mục đơn ca trong chương trình dự thi của mỗi đoàn. Ban tổ chức khuyến khích sử dụng các tác phẩm đã tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành Giáo dục.

Ở phần phụ hoạ, có thể kết hợp biểu diễn múa, nhạc cụ để minh họa phần ca, làm nổi bật tiết mục dự thi.

Cơ cấu giải thưởng gồm giải toàn đoàn và giải tiết mục.

Cụ thể, đối với vòng khu vực, giải toàn đoàn gồm một giải Nhất, hai giải Nhì và ba giải Ba (giải Nhất, giải Nhì toàn đoàn của mỗi khu vực được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải Ba và giải Khuyến khích toàn đoàn được trao Giấy chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

tieng hat.jpg
Cuộc thi là cơ hội thể hiện tài năng cho các sinh viên yêu văn hóa, nghệ thuật trên toàn quốc. (Ảnh: VOV)

Giải tiết mục gồm hai giải Nhất, 4 giải Nhì, 6 giải Ba và một số giải Khuyến khích. Tổng số tiết mục đoạt giải không vượt quá 50% số tiết mục tham dự (giải Nhất, giải Nhì tiết mục được chọn dự thi Vòng chung kết; giải Ba và giải Khuyến khích tiết mục được nhận giấy chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Đối với vòng chung kết, giải toàn đoàn gồm giải Đặc biệt (nếu có), 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và giải Khuyến khích (giải Nhất, giải Nhì toàn đoàn được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải Ba, giải Khuyến khích toàn đoàn được trao Giấy chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Giải tiết mục gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải Khuyến khích (giải Nhất, giải Nhì tiết mục được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và được nhận huy chương Vàng và Bạc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; giải Ba, giải Khuyến khích tiết mục được nhận Giấy chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giấy khen của Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch).

Cuộc thi "Tiếng hát sinh viên" toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1991, cho đến nay Cuộc thi đã trải qua 14 lần tổ chức. Qua Cuộc thi, nhiều ca sỹ đã trưởng thành và trở thành các nghệ sỹ có tên tuổi như: Ca sỹ Tấn Minh, ca sỹ Thùy Dung, ca sỹ Trang Nhung (Huy chương Vàng Cuộc thi lần thứ II), ca sỹ Mỹ Linh, ca sỹ Trần Thu Hà (Huy chương Vàng Cuộc thi lần thứ III).../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục