Sáng 9/10 tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức Diễn đàn kinh doanh và pháp luật năm 2024 với “Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.”
Diễn đàn được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng cùng với khoảng 350 đại biểu là đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 điểm cầu của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11/2024).
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, đây là lần thứ 2 diễn đàn được tổ chức và là hoạt động thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027.”
Chủ đề của diễn đàn lần này đã bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII là: “thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.”
Nội dung của diễn đàn năm nay, tập trung thảo luận hai vấn đề lớn là: Giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất; trong đó, nhận diện những điểm còn bất cập do mâu thuẫn, không tương thích giữa các văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng và vướng mắc trong các quy định cũng như tổ chức thực hiện; về trình tự, thời gian chuẩn bị đối với các dự án đầu tư; thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép thực tế hiện nay kéo dài làm chậm quá trình đầu tư, gây ảnh hưởng, khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai là một số vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, khó khăn trong hoàn thuế giá trị gia tăng cũng được đề xuất cần sửa đổi, bổ sung quy định trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để bảo đảm minh bạch chính sách, bảo đảm việc hoàn thuế giá trị gia tăng theo nguyên tắc quản lý rủi ro, hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp theo đúng thời gian quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Tại sự kiện, các diễn giả cũng đề cập tới tính cần thiết phải sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong bối cảnh các doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời với yêu cầu đặt ra về cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thì quy định doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế riêng đối với lãi từ chuyển nhượng bất động sản đang bộc lộ hạn chế, bất cập cần được điều chỉnh cho phù hợp./.
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cuối năm 2024
Việt Nam cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực.