Khai mạc hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 22 tại Tokyo

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei Inc, ông Naotoshi Okada nhận định tương lai kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những bất ổn.
Khai mạc hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 22 tại Tokyo ảnh 1 Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Cẩm Tuyến/Vietnam+)

Ngày 30/5, tại thủ đô Tokyo, Tập đoàn Nikkei Inc đã tổ chức Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á lần thứ 22, với chủ đề “Vươn lên ứng phó với các thách thức toàn cầu và hiện thực hoá tiềm năng của châu lục.”

Tham dự hội nghị có nhiều nhà lãnh đạo, quan chức cấp cao đến từ nhiều quốc gia, trong đó có cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong, Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lê Lương Minh, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) Hiroyuki Ishige… cùng khoảng 500 đại biểu từ giới học giả, doanh nghiệp Nhật Bản và quốc tế. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng dẫn đầu tham dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei Inc, ông Naotoshi Okada nhận định tương lai kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những bất ổn. Châu Á đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế với việc chiếm tới 60% tăng trưởng của thế giới.

Đó chính là động lực để Tập đoàn Nikkei chọn chủ đề "Vươn lên ứng phó với các thách thức toàn cầu và hiện thực hoá tiềm năng của châu Á" cho hội nghị lần này.

Trong phiên khai mạc, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong cho rằng châu Á đang đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh châu lục này đang nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng.

Theo ông chìa khóa để châu Á có thể duy trì được động lực tăng trưởng kinh tế là cải cách và tái cơ cấu. Cựu Thủ tướng Singapore đánh giá cao tầm quan trọng của các thỏa thuận tự do thương mại đa phương như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cho rằng các hiệp định này sẽ tăng cường tính đồng bộ giữa các nền kinh tế trong khu vực.

Đề cập đến vấn đề Biển Đông, ông Goh Chok Tong cho rằng vấn đề không thể giải quyết bằng vũ lực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết sau khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào cuối năm 2015, ASEAN đang nỗ lực để đảm bảo tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ nội khối cũng như với phần còn lại của thế giới.

Tổng Thư ký ASEAN nhấn mạnh cơ chế hội nhập kinh tế trên đã giúp ASEAN tự do hóa các thị trường trong khu vực, đã chứng minh việc cắt giảm thực sự thuế hàng hóa giao dịch trong khu vực. Tuy nhiên, Tổng Thư ký ASEAN cũng nói rõ cắt giảm thuế chỉ là một phần trong nỗ lực tự do hóa thị trường và cần phải có các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại cũng như các biện pháp khác.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định bằng việc thành lập Cộng đồng ASEAN, tổ chức này đang tiến hành một cách tích cực tiến trình hội nhập kinh tế.

Đề cập đến vai trò của Hiệp định TPP, đặc biệt đối với ASEAN, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản Hiroyuki Ishige cho rằng các điều kiện đầu tư tại các nước ASEAN sẽ thay đổi với tốc độ nhanh chóng vì có tới 4 thành viên của ASEAN tham gia TPP gồm Việt Nam, Brunei, Singapore và Malaysia. 4 quốc gia này sẽ có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các thị trường Mỹ, Canada và Mexico, vì vậy, đây sẽ là 4 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài trong tương lai.

Chủ tịch JETRO cho biết TPP cần được ít nhất 6 quốc gia, chiếm 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm, phê chuẩn. Điều này có nghĩa là Nhật Bản và Mỹ đang nắm chìa khóa của hiệp định này. Do đó, Chủ tịch JETRO cho rằng Mỹ và Nhật Bản nên phê chuẩn TPP trong năm 2016 để xây dựng một hệ thống tự do thương mại châu Á mới, ở mức cao hơn do TPP là lá bài quyết định định hình diện mạo tương lai châu Á.

Theo kế hoạch, trong hai ngày hội nghị (30 và 31/5), các học giả đến từ nhiều quốc gia sẽ tiếp tục có những bài diễn văn đề cập đến những thách thức mà nền kinh tế châu Á đang đối mặt và đề xuất những giải pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục