Sáng 22/4, đúng vào Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Sự kiện này quy tụ khoảng 170 đại diện các chính phủ trên toàn thế giới, trong đó có khoảng 60 nguyên thủ quốc gia. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đại diện cho Việt Nam tham dự lễ ký kết văn kiện này.
Phát biểu khai mạc lễ ký kết, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định Hiệp định Paris là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và "là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái Đất."
Theo ông Ban Ki-moon, Hiệp định Paris kết hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới.
Lễ ký kết được đánh giá là một sự kiện đáng nhớ của ngành ngoại giao quốc tế bởi chưa bao giờ quy tụ được cùng lúc nhiều quốc gia ký kết một hiệp định chỉ trong vòng một ngày như vậy. Kỷ lục trước đó được lập vào năm 1982, khi 119 quốc gia cùng ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển.
Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850).
Ngoài ra, hiệp định cũng đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang sử dụng những nguồn năng lượng sạch và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới./.