Khai mạc phiên họp 19 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII họp phiên thứ 19 để đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6.
Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII đã bắt đầu họp phiên thứ 19 để đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục, sửa đổi như một số báo cáo, tờ trình còn dài, thông tin chưa trọng tâm; số liệu trong một số tài liệu còn thiếu thống nhất; việc chuẩn bị tài liệu của một số nội dung chưa đảm bảo tiến độ, ảnh hưởng tới thời gian, chất lượng phiên họp.

Một số chất vấn chưa sâu, chưa đúng nhóm vấn đề; nội dung trả lời chưa bám sát chất vấn của đại biểu, trả lời còn dài. Một số ý kiến thảo luận trùng lắp, chưa bám sát nội dung, nặng về nêu tình hình, chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, nhất là trong thảo luận về kinh tế-xã hội.

Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ và hội trường có lúc, có nội dung chưa thực sự đầy đủ; việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý có nội dung chưa thật thuyết phục. Công tác tổ chức lấy phiếu tín nhiệm còn có sai sót về kỹ thuật; các báo cáo tự đánh giá của người được lấy phiếu tín nhiệm chưa thống nhất về thể thức, tiêu chí đánh giá; một số báo cáo chưa thực sự sâu sắc…

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 6 - kỳ họp cuối năm 2013, Quốc hội sẽ làm việc khoảng 30 ngày; họp phiên trù bị và khai mạc vào thứ hai, ngày 21/10/2013 và bế mạc vào thứ ba, ngày 26/11/2013.

Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành gần 20 ngày cho công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); cho ý kiến về 13 dự án luật.

Kỳ họp cũng sẽ dành 9 ngày để thảo luận về các vấn đề kinh tế-xã hội và giám sát các vấn đề quan trọng khác.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đánh giá kỹ kết quả đạt được, phân tích nguyên nhân những tồn tại và hạn chế của kỳ họp vừa qua trên cơ sở xem xét toàn diện vai trò, chức năng từng cơ quan, đơn vị liên quan; đồng thời xác định những nội dung trọng tâm của Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Đề cập đến ý nghĩa của kỳ họp thứ 6 với những nội dung hệ trọng trên cả công tác lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan có trách nhiệm cần khẩn trương triển khai, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

“Ngay từ thời điểm này phải chuẩn bị một cách tích cực các nội dung để đảm bảo cho thành công, chất lượng của kỳ họp quan trọng này,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, với đặc điểm là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, vì vậy kỳ họp thứ 6 sẽ tiến hành xem xét, đánh giá cụ thể kết quả tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015 và phương hướng phát triển kinh tế-xã hội đến hết năm 2015, kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Quốc hội cũng sẽ tiến hành đánh giá kết quả việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp từ thứ 2 đến thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, đối với tiến trình hoàn thiện dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, cơ quan chức năng cần tiếp tục ghi nhận, tiếp thu ý kiến của nhân dân đóng góp vào dự thảo để tiếp tục tổng hợp, hoàn chỉnh, trình Quốc hội cho ý kiến, thảo luận và thông qua.

Đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh, trình tập thể Chính phủ thảo luận, lấy ý kiến đóng góp lần cuối song song với việcxây dựng và chuẩn bị các văn bản hướng dẫn thi hành kèm theo để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật có tầm bao phủ rộng lớn này.

Trong công tác giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ủy ban, cơ quan của Quốc hội có trách nhiệm tiếp tục giám sát quá trình thực thi những dự án luật đã thẩm tra, kịp thời tổ chức giải trình, chất vấn để tìm giải pháp tháo gỡ, hoàn thiện.

Thảo luận tại buổi làm việc sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều ghi nhận và đánh giá cao thành công của kỳ họp thứ 5 với nhiều dấu ấn mang tính lịch sử, thể hiện đổi mới mạnh mẽ trong phương thức hoạt động của Quốc hội.

Góp ý về những trọng tâm của kỳ họp thứ 6, các Ủy viên Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng báo cáo kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội sau 3 năm và giải pháp đến hết nhiệm kỳ để trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 16 chương trình mục tiêu quốc gia trong 3 năm qua với tổng hợp các mặt về huy động nguồn lực, triển khai áp dụng để có phương án điều chỉnh, bổ sung chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của dự thảo hiến pháp 1992 sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị kỳ họp thứ 6 cần dành nhiều thời gian và tiến hành thảo luận ngay từ đầu kỳ họp về hai dự án này để đảm bảo thời gian tiếp thu, hoàn thiện và thông qua.

Các cơ quan liên quan cũng cần gửi tài liệu sớm hơn để đại biểu Quốc hội có đủ thời gian nghiên cứu, góp ý. Do khối lượng công việc của kỳ họp thứ 6 rất lớn, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tăng cường tổ chức các hội nghị chuyên trách với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực để tiếp thu các ý kiến đóng góp có chất lượng đóng góp vào các dự thảo báo cáo, dự thảo luật.

Cũng trong buổi làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua đề án đổi mới Văn phòng Quốc hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01/10/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội./.

Quang Vũ (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục