Khai mạc Phiên họp thứ 42 UB Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Khai mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII diễn ra ngay trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ 10, nhằm chuẩn bị, hoàn tất các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Khai mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sáng 12/10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc Phiên họp thứ 42.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu bật vị trí, tầm quan trọng của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII. Phiên họp thứ 42 diễn ra ngay trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ 10, nhằm chuẩn bị, hoàn tất các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phiên họp này, ngoài công tác xây dựng pháp luật, cho ý kiến vào chín dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng khác: Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Hội đồng bầu cử quốc gia và Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp... và nhiều nội dung quan trọng khác.

Ngay sau khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016 của Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế-xã hội trong chín tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi, có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức.

Về giá cả thị trường, chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng đầu năm tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có mức tăng giá thấp nhất so với cùng kỳ hàng chục năm qua. Chính phủ đánh giá trước những biến động kinh tế thế giới, khu vực và với những giải pháp, chính sách của Chính phủ vừa qua, về tổng thể chúng ta vẫn kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, các chỉ tiêu về tăng trưởng, lạm phát, thu ngân sách, bội chi ngân sách nhà nước, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất kinh doanh vẫn bảo đảm mục tiêu đã đề ra.

Báo cáo chỉ rõ nền kinh tế Việt Nam phục hồi khá rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây. Tốc độ tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) chín tháng đầu năm đạt 6,5%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ bốn năm trước; tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng nhanh sau từng Quý. Lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo, trong đó đã thực hiện có hiệu quả các chính sách như hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, cho vay xuất khẩu lao động...

Trên cơ sở đánh giá tình hình thời gian qua và triển vọng phát triển, mục tiêu đề ra cho năm 2016 như sau tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện Nghị quyết, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, nêu rõ trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, giá dầu tiếp tục giảm và ở mức thấp, một số nước phá giá mạnh đồng tiền, diễn biến chính trị, xã hội, xung đột vũ trang diễn ra ở nhiều nơi. Tình hình trên đã tác động nhiều hơn đến nền kinh tế Việt Nam so với dự báo đầu năm, nhưng với chủ trương kịp thời của Đảng và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2015, dự kiến 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, tăng trưởng kinh tế cao nhất so với các năm trong kế hoạch 5 năm, chỉ số giá tiêu dùng ở mức thấp. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm. Chính sách tiền lương được điều chỉnh đã góp phần giảm khó khăn, cải thiện đời sống của người lao động.

Tiếp tục triển khai Hiến pháp 2013, công tác xây dựng pháp luật được đẩy mạnh và bảo đảm chương trình xây dựng pháp luật đề ra. Một số bộ, ngành có nhiều tiến bộ, kịp thời hướng dẫn cụ thể theo luật định đối với Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, các luật về thuế, Luật Nhà ở, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hộ tịch.

Nhiều ý kiến đồng tình với dự báo trong báo cáo của Chính phủ, cho rằng năm 2016 cần đánh giá thêm các mặt thuận lợi, thời cơ, thách thức mới, nhất là sau các chuyến thăm thành công của các lãnh đạo cao nhất tại một số nước có nền kinh tế lớn gần đây và sự kiện kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 phải bám sát Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020) và dự thảo Văn kiện Đại hội XII của Đảng trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nước ta sẽ thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiếp tục những mục tiêu đang được triển khai “ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.”

Đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế tán thành với các nhóm giải pháp trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị cần tập trung tiếp tục cụ thể hóa và triển khai Hiến pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chấm dứt tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật; điều hành các chính sách kinh tế linh hoạt hơn đối với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, đáp ứng hài hòa các mục tiêu hỗ trợ sản xuất phát triển nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2015; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ thị trường; tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, tăng cường giám sát bảo đảm triển khai hiệu quả nhất là nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển nguồn nhân lực...

Tại phiên họp sáng 12/10 và đầu phiên họp buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến cụ thể về các nội dung báo cáo của Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục